Hà Nội: Rà soát lại thực trạng 6 nhà hát của Thủ đô

Chiều 15/2, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp về hoạt động của 6 Nhà hát thuộc Sở VH&TT Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lại Tấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lại Tấn.

6 nhà hát trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội; Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội.

Báo cáo về thực trạng hoạt động của 6 đơn vị nhà hát trực thuộc Sở VH&TT, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà hát đã triển khai các hoạt động đi vào nền nếp, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2002, các Nhà thuộc sở đã tổ chức 405 buổi biểu diễn phục các nhiệm vụ chính trị; 11 buổi biểu diễn phục Nhân dân vùng sâu, vùng xa; 35 buổi biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại; biểu diễn danh thu với 616 biểu diễn, đạt 14,85 tỷ đồng.

Cùng với hoạt động chuyên môn, các nhà hát thuộc Sở VH&TT Hà Nội đã triển khai sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ các làn điệu, phục dựng vở diễn. Cụ thể, năm 2022, Nhà hát Chèo Hà Nội sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ 5 làn điệu Chèo cổ, 3 vai mẫu trong các trích đoạn Chèo cổ; Nhà hát Cải lương Hà Nội bảo tồn, phục dựng và lưu giữ trích đoạn cải lương “Nàng Phi Yến”…

Trên cơ sở, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, để phát triển hết tiềm năng của các Nhà hát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị: Các nhà hát cần tiếp tục rà soát lại thực trạng ở các đơn vị, đặc biệt là các điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế chính sách để thu hút tài năng.

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, với trách nhiệm của Sở VH&TT Hà Nội cần tiếp tục bám sát nhiệm vụ của TP để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các nhà hát xây dựng các chương trình biểu diễn, tác phẩm cho các sự kiện lớn của TP như kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa 1943; hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.

Sở VH&TT Hà Nội cần chủ động đề xuất các cơ chế để các nhà hát trong thời điểm hiện nay để đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-cach-go-kho-cho-nha-hat-xuong-cap-khong-du-tieu-chuan-bieu-dien.html