Hà Nội: sẵn sàng sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ ngập lụt

Trong ít ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mực nước nhiều tuyến sông đang lên nhanh làm gia tăng nguy cơ ngập lụt tại những vùng trũng, thấp và khu dân cư ven sông.

Báo động lũ trên nhiều tuyến sông

Số liệu quan trắc cho thấy, mực nước trên sông Cầu tại trạm thủy văn Lương Phúc (huyện Sóc Sơn) hiện nay đã lên tới 7,27m, tức đã trên báo động II là 0,27m. Trên sông Cà Lồ, tại trạm thủy văn Mạnh Tân (huyện Đông Anh), mực nước sông đo được cũng đã vượt trị số báo động I.

Trong khi đó, mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) hay sông Tích tại trạm thủy văn Vĩnh Phúc, Kim Quan đoạn chảy qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai... cũng đang lên nhanh và sẽ sớm tiệm cận mức báo động.

Khu vực dân cư ven sông Bùi tại huyện Chương Mỹ có nguy cơ bị ngập nếu mực nước sông Bùi tiếp tục lên cao.

Khu vực dân cư ven sông Bùi tại huyện Chương Mỹ có nguy cơ bị ngập nếu mực nước sông Bùi tiếp tục lên cao.

Đáng lo ngại, bản tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cảnh báo, từ nay đến đêm 25/8, TP Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 40 - 70 mm, có nơi trên 100 mm. Điều này sẽ khiến mực nước các sông tiếp tục lên cao hơn nữa.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, mực nước sông lên cao có nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và khu dân cư ven các tuyến sông, nhất là sông Bùi, sông Tích.

Thực tế, hàng ngàn hộ dân các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024. Đó là thời điểm mưa lớn cũng kéo dài nhiều ngày, khiến mực nước sông Bùi, sông Tích lên trên báo động III, tràn đê gập ngập lụt vùng dân cư ven sông.

Chủ động ứng phó mưa lũ

Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận cho biết, trước diễn biến mưa lớn, đơn vị đã tham mưu Bộ ban hành Văn bản số 6300/BNN-ĐĐ về việc ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), và văn bản về việc tăng cường công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều.

Trong đợt mưa lớn kéo dài hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, tại Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp bị nước lũ cuốn trôi tại huyện Quốc Oai và huyện Chương Mỹ. Hàng ngàn hộ dân các địa phương ven sông cũng bị ngập lụt kéo dài nhiều tuần…

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội và các địa phương cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; từ đó thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đặc biệt lưu ý, do mưa lớn còn tiếp diễn, mực nước các sông dự kiến còn biến đổi nhanh và lên cao. Chính vì vậy, các địa phương ven sông cần chủ động ứng phó với tinh thần cao nhất; tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến mưa lũ.

“Hiện, Sở đang chỉ đạo các địa phương ven sông tập trung triển khai lực lượng xung kích để kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng, thấp và có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn…” - ông Nguyễn Văn Quyến cho biết.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tổ chức canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở, hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Cùng với bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, các đơn vị bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-san-sang-so-tan-nguoi-dan-khoi-khu-vuc-co-nguy-co-ngap-lut.html