Hà Nội: Sản xuất, xuất khẩu tăng trở lại
Ngày 29/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND Thành phố.
Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 5 tháng đầu năm đạt 102,923 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 23.724 tỷ đồng, đạt 23% dự toán.
Xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 4,7% so với tháng trước
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 1.120 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng trong tháng 5 đều tăng so với tháng trước, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, điểm sáng trong xuất khẩu tháng 5 là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gốm sứ tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 4,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 19,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 5.339 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 2.248 triệu USD, tăng 2,8% so với tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 11,2 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng nguồn vốn huy động vốn tại các ngân hàng đạt 3.597 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,6% so với đầu năm. Lượng tiền gửi đạt 3.336 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,8% tổng nguồn vốn huy động, tăng 2,7% so với đầu năm (trong đó tiền gửi tiết kiệm đạt 1.382 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%; tiền gửi thanh toán đạt 1.954 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8%); phát hành giấy tờ có giá đạt 261 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,3%.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4% (cùng kỳ tăng 4,1%). Trong tháng có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là giao thông (giảm 2,18%) và hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,82%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,89%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số CPI tăng hoặc giữ mức tháng trước, trong đó: đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3%
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trong tháng 5 tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng thời kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 5,8%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,7%.
Vận tải hàng hóa tháng 5 ước đạt 70 triệu tấn, tăng 49,4% so với tháng trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 6.907 triệu tấn.km, tăng 45%; doanh thu ước đạt 3.612 tỷ đồng, tăng 37,9%.
Vận tải hành khách tháng 5 ước đạt 22,2 triệu hành khách, tăng 97,3% so với tháng trước; số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 578 triệu hành khách.km, tăng 49,7%; doanh thu ước đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 110%.