Hà Nội: sẽ nghiên cứu để định hình rõ nét hơn mô hình giáo dục chất lượng cao
Sáng 9/5, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội làm việc với một số trường mầm non chất lượng cao trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Coi trọng giáo dục kỹ năng sống, tư duy tích cực
Theo đó, đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Trường Mầm non B (có địa điểm tại quận Hoàn Kiếm) được công nhận đạt chuẩn chất lượng cao vào năm 2017 và được công nhận lại vào năm 2022; và Trường Mầm non Việt Triều Hữu Nghị (nằm trên địa bàn quận Đống Đa), được công nhận là trường công lập chất lượng cao vào năm 2014, đến tháng 10/2022 trường được công nhận là trường mầm non đạt tiêu chí chất lượng cao giai đoạn 2022-2027.

Đoàn giám sát khảo sát tại Trường Mầm non Việt Triều Hữu Nghị
Qua giám sát, đoàn ghi nhận các trường có cơ sở vật chất khang trang, khung cảnh sư phạm đẹp và an toàn, thân thiện; các phòng chức năng đáp ứng được công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ số lượng theo quy định, 100% đội ngũ trình độ đào tạo đạt chuẩn.
Các trường áp dụng phương pháp giáo dục coi trọng kỹ năng nhận thức, kỹ năng vận động, kỹ năng sống trong từng hoạt động, hướng trẻ đến thói quen tư duy tích cực...
Từ khi được công nhận trường chuẩn quốc gia, chất lượng giảng dạy, chăm sóc trẻ của các nhà trường đã được nâng lên. Trẻ được phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất; có nền tảng tốt về ngôn ngữ, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), tạo lợi thế lớn khi vào cấp học cao hơn.
Qua thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao, bản thân đội ngũ giáo viên cũng thay đổi tư duy, có nhiều cơ hội sáng tạo, tôn trọng trẻ và phụ huynh...
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo 2 trường cũng nêu một số khó khăn trong công tác tuyển sinh; hiện chưa có cơ chế và nguồn tài chính để mua, sử dụng bản quyền chương trình giáo dục nước ngoài nhằm tạo nên sự khác biệt, có thể cạnh tranh với mô hình giáo dục ngoài công lập và mô hình giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Cùng với đó, nguồn tài chính gặp nhiều khó khăn do chính sách tăng lương cơ sở của Chính phủ tăng 20,8% (năm 2023) và tăng 30% (năm 2024), trong khi mức học phí theo quy định chỉ được phép tăng hằng năm không quá 7,5% dẫn đến thiếu hụt nguồn tài chính cho cho hoạt động trường chất lượng cao, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của đội ngũ giáo viên.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Từ những khó khăn nêu trên, các trường đề xuất thành phố có cơ chế hỗ trợ hệ thống trường mầm non chất lượng cao ngân sách mua bản quyền chương trình giáo dục nước ngoài; có lộ trình đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn (5 năm/lần) bằng nguồn ngân sách Nhà nước...
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã đưa ra một số vấn đề quan tâm và đề nghị các trường làm rõ như: tình hình thực hiện tự chủ của các đơn vị trong thời gian qua, khi thực hiện trả lương cho giáo viên; việc thực hiện trả lương theo cơ chế tăng thêm... Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình giáo dục về kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ, các trường mở rộng thêm những nội dung này trong chương trình giáo dục trẻ ra sao?...
Khẩn trương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật
Sau khi nghe lãnh đạo 2 trường cùng đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ những nội dung thành viên đoàn giám sát trao đổi, phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Nguyễn Thanh Bình đề nghị các trường rà soát kỹ các tiêu chí của trường chất lượng cao về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Với những nội dung có thể thực hiện được thì chủ động khắc phục, còn những nội dung vượt thẩm quyền thì kiến nghị thành phố.
Cùng với đó, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng đề nghị các trường khẩn trương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để sớm áp dụng vào năm học tới; có giải pháp thu hút học sinh tuyển sinh.

Thành viên đoàn giám sát nêu một số vấn đề quan tâm và đề nghị các trường làm rõ
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Tài Chính, Sở Giáo dục và Đào tạo TP trên cơ sở đề xuất của các trường, nghiên cứu những cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn.
Với Sở Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát, rà soát cần đánh giá mô hình trường chất lượng cao khách quan, tạo điều kiện cho phát triển mô hình này, nếu có khuyết thiếu thì tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các tiêu chí. Đặc biệt, trong thời gian tới tham mưu thành phố điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp thực tiễn và các căn cứ pháp lý mới của Trung ương và thành phố; tập trung chỉ đạo các trường chất lượng cao xây dựng đơn giá, định mức kỹ thuật, có phương án học bảo đảm tạo cơ chế cho các trường phát huy thế mạnh để hoạt động tốt hơn.
Nghiên cứu để sớm tham mưu, xây dựng nghị quyết của HĐND TP về cơ chế theo thẩm quyền của HĐND TP, thời gian càng sớm càng tốt để các trường có cơ sở pháp lý hoạt động ổn định.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng cho biết, về quan điểm chung Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở ngành và các Ban của HĐND TP sẽ nghiên cứu định hình rõ nét hơn mô hình giáo dục chất lượng cao trên địa bàn; định vị lại vị trí của mô hình giáo dục chất lượng cao công lập nhằm phát triển ổn định bền vững.