Hà Nội sẽ sớm hồi sinh được sông Tô Lịch?
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cuối tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập 2 vấn đề mà Thủ đô cần tập trung giải quyết, đó là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, UBND thành phố Hà Nội thực hiện rà soát toàn bộ các cửa xả nước thải dọc sông Tô Lịch để bổ sung hệ thống cống thu gom triệt để nước thải 2 bên sông Tô Lịch về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Đồng thời giao UBND quận Tây Hồ chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch…
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_65_51412822/19483a2c0262eb3cb273.jpg)
Sông Tô Lịch (Hà Nội) dài 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy qua 6 quận, huyện gồm: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Đây cũng là trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Theo ước tính, mỗi ngày sông Tô Lịch tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ, mà phần lớn trong số đó chưa qua xử lý.
Thực tế cho thấy, hàng chục năm qua, câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch đã được Hà Nội đưa ra bàn thảo rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa có kết quả. Cụ thể, năm 2000, thành phố Hà Nội thực hiện dự án nạo vét, kè hai bờ sông Tô Lịch, với mục đích làm sạch và chống lấn chiếm. Tháng 5/2009, UBND TP Hà Nội đã họp bàn về phương án tổng thể cải tạo lại sông Tô Lịch. Với quan điểm, giải pháp cơ bản là cải tạo lại nước của sông, không cống hóa dòng sông... Đến năm 2019, Hà Nội thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Tuy nhiên, sau gần một tháng thí điểm, dựa trên kết quả phân tích, phương án này vẫn chỉ là thí điểm. Và mục tiêu cải tạo, hồi sinh dòng sông vẫn chưa thể về đích.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cuối tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập 2 vấn đề mà Thủ đô cần tập trung giải quyết, đó là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch.
Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào vận hành. Đồng thời, sớm nghiên cứu phương án bổ sung nước cho sông Tô Lịch.
Ông Trương Quốc Bảo, Trưởng Ban Quản lý Dự án xử lý nước thải Yên Xá cho biết: "Theo thiết kế nhà máy có công suất 270.000m3/ngày đêm. Đến thời điểm này hệ thống cống thu gom dọc sông Tô Lịch đã hoàn thành…".
Ngày 4/2 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc họp bàn phương án thực hiện nội dung này. Theo đó, về phương án làm sạch sông Tô Lịch, UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp phối hợp với Sở Xây dựng rà soát toàn bộ các cửa xả nước thải dọc sông Tô Lịch để bổ sung hệ thống cống thu gom triệt để nước thải 2 bên sông Tô Lịch về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch, giai đoạn trước mắt, thành phố Hà Nội giao các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây, đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây. Về lâu dài, nghiên cứu kỹ, đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, đảm bảo vừa bổ cập nước sông Tô Lịch, vừa điều tiết mực nước hồ Tây được ổn định.
PGS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá: "Với phương án lấy nước sông Hồng tại khu vực cầu Nhật Tân, đưa dọc theo đường Võ Chí Công đưa về một phần bổ cập cho hồ Tây, một phần cho sông Tô Lịch chúng tôi thấy hợp lý…".
Việc hồi sinh sông Tô Lịch là câu chuyện không mới, nhưng luôn là vấn đề “nóng” của Hà Nội. Hiện, thành phố có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, với tổng công suất xử lý là 314.300 m3/ngày đêm. Cùng với việc đưa vào vận hành chạy thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là thời điểm chín muồi để Hà Nội xử lý dứt điểm được vấn đề ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch…
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-se-som-hoi-sinh-duoc-song-to-lich-post1153069.vov