Hà Nội sẽ thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật về chất thải rắn
UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành quy chế phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật về chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
![Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Hoàng Sơn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_8_51414844/e61bd865e02b0975503a.jpg)
Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Hoàng Sơn
Ngày 6-2, UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo về việc tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện công tác vệ sinh môi trường theo hướng tiên tiến, hiện đại, đúng tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện hiệu quả kế hoạch, nội dung chỉ đạo của UBND thành phố về công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và Chủ tịch UBND một số quận, huyện rà soát hệ thống các quy định pháp luật về môi trường, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính... tham mưu UBND thành phố ban hành quy chế phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật về chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
Quy chế tập trung vào các nội dung như trách nhiệm, thẩm quyền và quy trình phản ứng, xử lý, giải quyết cụ thể, sự phối hợp của từng cá nhân, tổ chức trong các cơ quan nhà nước của thành phố, doanh nghiệp vệ sinh môi trường trong hoạt động quản lý chất thải rắn thường xuyên. Khi phát sinh vụ việc, hành vi, thông tin phản ánh, tin báo về vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn; kích hoạt quy trình thanh tra, kiểm tra, thông báo có vụ việc cụ thể để làm rõ hành vi vi phạm và xử lý.
Việc quy trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vi phạm hoặc chậm xử lý, giải quyết, khắc phục vi phạm (trừ điểm thi đua, kiểm điểm, xử lý kỷ luật, thông báo công khai...); xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp vệ sinh môi trường khi có vi phạm (phạt hợp đồng, hủy hợp đồng, thông báo công khai, hạn chế tham gia đấu thầu...); xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Xây dựng và đưa vào sử dụng trang thông tin để công khai tình hình, kết quả trên; xây dựng một công cụ công nghệ số trên các nền tảng sẵn có của thành phố để quản lý, điều hành việc thông tin, báo cáo về kết quả tổ chức thực hiện quy chế trên; phân công 1 cơ quan chủ trì quản lý, điều hành.
Quy chế này được duy trì lâu dài; thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; thông báo công khai để các cấp ủy Đảng, đoàn thể, nhân dân biết, tham gia giám sát, phản ánh; sử dụng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cá nhân, tổ chức trong cơ quan thành phố. Công an thành phố báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện nhiệm vụ nêu trên trong tháng 2-2025.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương báo cáo kết quả rà soát và đề xuất nâng cao tiêu chí đấu thầu; rà soát quy trình, thủ tục xây dựng bài thầu, giá gói thầu, mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu; kế hoạch tổ chức đấu thầu đồng loạt của các quận, huyện, thị xã trong năm 2025 (đối với các hợp đồng có thời hạn đến hết năm 2025) để triển khai thực hiện từ đầu năm 2026 với thời hạn hợp đồng ổn định 3-5 năm…
Tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện... Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo đề nghị Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ chính trị được giao…