Phát triển, nâng cấp hạ tầng đô thị
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng đến phát triển đô thị bền vững. Trong đó, các chỉ tiêu về nhà ở, giao thông, cấp nước và cây xanh đô thị đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như: Thu gom, xử lý nước thải, kiến trúc cảnh quan đô thị và mật độ đường giao thông vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở các đô thị nhỏ và mới được công nhận.
Trong lĩnh vực nhà ở khu vực đô thị đã đạt mức khá cao là 32,8m2 sàn/người, đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở tối thiểu 8m2/người. Bên cạnh đó, hàng loạt khu đô thị mới với quy mô lớn đã được đầu tư, điển hình như Dream City, Ðại An, Ecopark Văn Giang... với hệ thống nhà ở dân sinh khang trang, hiện đại. Những dự án này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn góp phần hình thành các không gian đô thị hiện đại, văn minh.
Về hạ tầng cấp nước, tỉ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đến nay đạt gần 90%. Tiêu chuẩn lượng nước dùng trung bình vào khoảng 100 lít/người/ngày đêm. Bên cạnh đó, chất lượng nước và dịch vụ cung cấp nước sạch ngày một nâng cao, tiếp tục được đầu tư để bảo đảm nguồn nước cấp ổn định và an toàn.
Hạ tầng giao thông cũng có những bước tiến đáng ghi nhận. Tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trong đô thị đạt 23%, giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối giữa các khu vực. Tỉ lệ chiếu sáng đường phố chính đạt 75%, trong khi ở các tuyến ngõ hẻm đạt trên 60%, góp phần nâng cao an toàn giao thông và chất lượng sống của người dân đô thị.
Ðồng chí Ðoàn Hồng Quân, Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng cho biết: Việc phát triển và nâng cấp hạ tầng đô thị của tỉnh trong thời gian qua đã bám sát định hướng quy hoạch chung, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, cấp, thoát nước, nhà ở và không gian công cộng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hạ tầng đô thị trong tỉnh cần tiếp tục được đầu tư có trọng điểm, đồng bộ hơn, đặc biệt là trong các đô thị nhỏ và đô thị mới, hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trong năm 2024, tổng vốn đầu tư công của thành phố Hưng Yên là gần 693 tỷ đồng, được phân bổ cho 86 công trình, mục tiêu nhằm chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng đô thị. Ðáng chú ý là các dự án đường giao thông trọng điểm của thành phố như: Ðường liên xã Phú Cường - Hùng Cường; cải tạo vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh; xây dựng kè mái và đường dạo phía Tây sông Ðiện Biên… Ngoài ra, thành phố còn tập trung đầu tư vào các công trình phục vụ đời sống dân sinh và phát triển văn hóa - xã hội trong đô thị, điển hình là Trung tâm thể thao thành phố với mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng; cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng hơn 3 tỷ đồng; cải tạo công viên hơn 7 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp các trường học gần 20 tỷ đồng… Những dự án này không chỉ giúp hoàn thiện hạ tầng đô thị mà còn tạo tiền đề phát triển đồng bộ, hiện đại cho thành phố trong tương lai.
Nhiều khu vực đô thị trong tỉnh như thành phố Hưng Yên, huyện Văn Giang đã triển khai đầu tư xây dựng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; các khu vực đô thị mới trong tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống giám sát thông minh, camera an ninh trật tự... Các dự án này nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản lý đô thị, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang tiếp nhận và triển khai đầu tư một số khu đô thị sinh thái quy mô lớn, được xây dựng hiện đại và đồng bộ, tạo tiền đề cho mô hình đô thị thông minh trong tương lai.
Công tác phát triển không gian công cộng, cây xanh đô thị cũng được chú trọng. Các khu vực cây xanh công cộng quy mô lớn chủ yếu tập trung tại trung tâm các thành phố, thị xã và thị trấn. Bên cạnh đó, tại các thị trấn và khu đô thị lớn như Ecopark cũng đã hình thành nhiều công viên, khu vui chơi quy mô, đáp ứng nhu cầu cảnh quan, mở rộng không gian xanh.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song quá trình phát triển và nâng cấp hạ tầng đô thị tại tỉnh vẫn còn một số thách thức cần giải quyết. Cụ thể, hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị vẫn còn thiếu và yếu, nhất là tại các đô thị nhỏ. Kiến trúc cảnh quan đô thị ở một số khu vực chưa thực sự đồng bộ, trong khi mật độ đường giao thông tại một số đô thị còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng kết nối và lưu thông. Ở các đô thị loại V mới được công nhận, hệ thống cây xanh công cộng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân về không gian sinh hoạt chung.
Trong thời gian tới, các đô thị trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo hướng bền vững, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung. Việc mở rộng hệ thống giao thông, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải thiện chất lượng cấp nước, xử lý nước thải và phát triển không gian công cộng sẽ là những ưu tiên hàng đầu. Ðồng thời, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành đô thị cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị nói riêng và tỉnh nói chung phát triển bền vững, hiện đại.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/phat-trien-nang-cap-ha-tang-do-thi-3179116.html