Hà Nội: Sinh viên 22 tuổi phải điều trị tâm thần vì nghiện game
Mỗi ngày, sinh viên P.M.Q (22 tuổi, ở Hà Nội) dành 10-12 tiếng để chơi game. Thậm chí, khi bị mẹ ngăn cản không cho chơi, Q đã chửi bới, đánh lại mẹ… Hậu quả, Q đã mắc hội chứng nghiện game online và bị rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ.
Chiều 24-7, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tọa đàm “Nghiện internet/game và tác động đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ”.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trò chơi điện tử đã dần trở thành một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất trên thế giới. Song song với đó, tỷ lệ nghiện game trên toàn cầu cũng tăng ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng trẻ thiếu địa điểm vui chơi, sử dụng internet nhiều hơn cũng khiến gia tăng trẻ nghiện game. Đặc biệt, sau Covid-19, tình trạng trẻ dùng điện thoại, máy tính nhiều hơn. Đây là điều kiện khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng nghiện game online.
Riêng tại Viện Sức khỏe tâm thần, trong nhóm từ 10-24 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thì nghiện internet và game chiếm tới 43%.
Điển hình như trường hợp em P.M.Q (22 tuổi, ở Hà Nội), sinh viên của một trường đại học. Năm học lớp 7 cũng là lúc Q bắt đầu chơi điện tử và có cảm giác được giải tỏa căng thẳng, quen nhiều bạn bè. Dần dần, Q chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học là sẽ lao vào máy tính để chơi.
Mỗi ngày, Q dành 10-12 tiếng để chơi game. Nếu được nghỉ học em còn chơi nhiều hơn. Thậm chí, nam thanh niên này sẵn sàng bỏ bữa hoặc chỉ ăn mỳ tôm, nước tăng lực để dành thời gian chơi game.
Thấy con trai quá ham mê điện tử, người mẹ nhiều lần khuyên bảo và tắt máy tính khiến cậu cáu gắt, cãi cự, thậm chí có lúc đánh cả mẹ. Toàn bộ các sở thích cá nhân như bóng đá, bạn bè… đều được Q gạt qua một bên. Từ một học sinh có học lực khá giỏi, Q xuống dốc không phanh, chỉ còn học lực trung bình.
Khi đỗ vào đại học, Q đã chuyển đến ở trọ cùng bạn. Vì thấy biểu hiện bất thường của Q nên giáo viên đã gọi điện báo cho gia đình. Q cũng đã được mẹ đưa vào điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa tâm thần nhưng bệnh ít thuyên giảm.
Khoảng 2 tuần nay, để con không chơi điện tử, mẹ Q đã cất máy tính. Q đã phản ứng lại, có lúc chửi bới lại mẹ, bồn chồn bứt rứt, thậm chí trốn ra ngoài chơi game ở quán…
Hai ngày trước vào Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân bồn chồn, cáu gắt nhiều, đêm ngủ kém, khoảng 2-3 tiếng/đêm, ăn uống kém.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Long, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, bệnh nhân mắc hội chứng nghiện game online, rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ. Thời gian đầu điều trị, bệnh nhân còn chưa chủ động trong giao tiếp, vận động. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị bằng phương pháp hóa trị và tâm lý, hiện bệnh nhân đã cải thiện, ăn ngủ cũng tốt hơn.
Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần trao đổi với con, cho con thời gian nào được phép sử dụng máy tính, internet. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể liên hệ với nhà trường để biết được thời gian biểu, giúp bố mẹ kiểm soát con trên các kênh học tập với nhà trường.
Khi trẻ có những biểu hiện bất thường của nghiện game, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Những người nghiện game thường có những biến đổi tâm lý rất phức tạp, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường như bị hoang tưởng, tâm thần...