Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm

Chiều 4/6, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội tổ chức giao ban trực tiếp và trực tuyến công tác ATTP với các quận, huyện, thị xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố Trần Sỹ Thanh chủ trì giao ban.

Tham dự giao ban còn có các đồng chí: Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố; Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế; Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố Trần Sỹ Thanh trao tặng Bằng khen cho các tập thể có đóng góp trong Tháng hành động vì ATTP.

Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố Trần Sỹ Thanh trao tặng Bằng khen cho các tập thể có đóng góp trong Tháng hành động vì ATTP.

Phát biểu tại giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP, Thành phố đã thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về ATTP, trong đó cấp thành phố có 17 đoàn liên ngành; cấp quận, huyện, thị xã có 82 đoàn; cấp xã, phường, thị trấn có 607 đoàn.

Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố và UBND quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động Tháng hành động vì ATTP với chủ đề "Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới".

Các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; số cơ sở đạt: 16/33 cơ sở (tỷ lệ 48,5%); số cơ sở không đạt: 17/33 cơ sở (tỷ lệ 51,5%).

Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố xử lý 14 cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt 151 triệu đồng; lấy 2 mẫu thực phẩm xét nghiệm chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kết quả 2/2 mẫu đạt (tỷ lệ đạt 100%); xét nghiệm nhanh: 124/128 mẫu (tỷ lệ đạt 96,9%).

Các sở, ngành liên quan thành viên Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 817 cơ sở, số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP là 683 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 4,6 tỷ đồng.

Các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm trong Tháng hành động vì ATTP. Tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát là 11.692 cơ sở, trong đó 10.385 cơ sở có kết quả đạt (tỷ lệ 88,8%); tổng số cơ sở vi phạm 996 cơ sở với số tiền phạt hơn 4,2 tỷ đồng.

Toàn thành phố kiểm tra, giám sát 12.509 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt điều kiện ATTP theo quy định là 10.522 cơ sở (tỷ lệ đạt 84,1%).

Tổng số cơ sở vi phạm là 1.814 cơ sở, trong đó, số cơ sở bị xử lý là 1.679 cơ sở, số cơ sở bị nhắc nhở, khắc phục tại chỗ là 135 cơ sở. Số cơ sở bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP là 1.679 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 8,8 tỷ đồng. Số cơ sở bị hủy sản phẩm là 280 cơ sở, buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá trên 2,7 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi giao ban.

Toàn cảnh buổi giao ban.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, Thành phố cũng tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATTP, đặc biệt là trong Tháng hành động vì ATTP, trong đó tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức chiến dịch truyền thông hoạt động trong Tháng hành động vì ATTP. Các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, áp phích về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Đặc biệt, qua đợt kiểm tra trong Tháng hành động vì ATTP cho thấy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt các ban ngành tham mưu, triển khai nhanh chóng, cần tập trung vào công tác kiểm tra đột xuất, cơ sở kinh doanh ngoài giờ hành chính; đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm đến tận nơi trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, đầu tư kinh phí xét nghiệm đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng.

Đồng thời, Thành phố tiếp tục cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định về ATTP một cách thực tế, hiệu quả để nâng cao nhận thức, thực hành cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.

Ông Vũ Cao Cương yêu cầu các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch hành động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực được phân công; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực ATTP; tập trung kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể khu công nghiệp và chế xuất.

Kiểm soát ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học trên toàn thành phố; nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, truyền thông về ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Tại giao ban, đại diện các sở, ngành và quận, huyện tại các điểm cầu đã báo cáo công tác triển khai thực hiện trong Tháng hành động vì ATTP; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại địa phương.

Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 7 cá nhân có đóng góp trong Tháng hành động vì ATTP.

Phát biểu chỉ đạo tại giao ban, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố cho biết, qua các hoạt động của Tháng hành động vì ATTP, nhiều quận huyện đã làm tốt công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương triển khai chưa tốt. Do đó, công tác kiểm tra ATTP cần được coi như nhiệm vụ chính trị thực hiện thường xuyên chứ không chỉ riêng trong Tháng hành động vì ATTP.

Các hoạt động vi phạm ATTP sẽ âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe, tầm vóc của thế hệ giống nòi, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, những hoạt động này cần được triển khai kiên trì, 5 năm, 10 năm, 20 năm... sẽ dần thay đổi được thói quen, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền ATTP cần được đưa vào trường học để giáo dục thế hệ tương lai; đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông trên báo, đài, mạng xã hội... tổ chức các cuộc thi viết về ATTP.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-nghiem-vi-pham-an-toan-thuc-pham-171713.html