Hà Nội: Tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố
Ngày 28/11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 344/KH-UBND về việc triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội.
Kế hoạch nhằm mục tiêu tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp dự phòng tích cực và chủ động, phát hiện kịp thời nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn Thành phố; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và khuyến khích sự tham gia của người dân trong hoạt động phòng chống NĐTP, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Về công tác chỉ đạo điều hành, UBND TP đề nghị các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP theo đúng quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác về ATTP các cấp, xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm các thành viên và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên nhằm phát huy hiệu quả quản lý; Kiện toàn đội điều tra, xử trí NĐTP. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn. Chủ động diễn tập ứng phó sự cố, điều tra, xử lý NĐTP, nhất là NĐTP nhiều người mắc.
Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra, xử trí NĐTP, giám sát nguy cơ gây 3 mất ATTP, phòng chống NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm. Nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị, truyền thông phòng ngừa NĐTP, cập nhật các kiến thức điều trị ca bệnh NĐTP cho người làm công tác điều tra, xử lý NĐTP.
Bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP, phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Bố trí đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện đi lại… sẵn sàng triển khai thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh và tiến hành điều tra, xử lý vụ NĐTP.
UBND TP yêu cầu các cấp chính quyền thường xuyên đánh giá các nguy cơ NĐTP trên địa bàn, chú ý đến các điểm du lịch, bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp, khu chợ ẩm thực, trước và trong các đợt tổ chức các Lễ hội, các cơ sở kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm… Giám sát các nguy cơ gây mất ATTP hiện hữu trên địa bàn, thường xuyên cập nhật thông tin về những nguy cơ gây mất ATTP trong tình hình mới để đưa ra dự báo và triển khai các biện pháp đáp ứng kịp thời.
Thực hiện hướng dẫn các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… thường xuyên tự kiểm tra quy trình đảm bảo ATTP, Tăng cường năng lực xét nghiệm của địa phương để đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm ATTP phục vụ quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố và duy trì hoạt động thông tin cảnh báo về ATTP.
Với công tác thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cấp cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong hoạt động bảo đảm ATTP của các cơ sở, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố, đặc biệt chú ý đối với các nhóm thực phẩm do ngành quản lý; Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (thuộc đối tượng phải cấp).
Các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
Khi xảy ra các trường hợp NĐTP, các đơn vị có trách nhiệm khai báo, tiếp nhận thông tin, báo cáo NĐTP và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra NĐTP theo quy định.
Lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn là người chủ trì trong việc chỉ đạo triển khai toàn diện, các hoạt động xử trí, khắc phục hậu quả vụ NĐTP trên địa bàn quản lý. Trường hợp cần thiết, huy động các đơn vị chức năng, đoàn thể xã hội, các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương và đơn vị Y tế tuyến trên hỗ trợ triển khai khắc phục hậu quả vụ NĐTP.
Các đơn vị Y tế tại địa phương (Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế…) chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động chuyên môn để khắc phục hậu quả như cấp cứu, điều trị người bệnh, xử lý môi trường; Phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân NĐTP; Tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị cho tất cả những người bị NĐTP với phương châm "cấp cứu, điều trị tại chỗ là chính" (tại nơi xảy ra NĐTP). Trường hợp cần thiết, phải kịp thời chuyển những người mắc NĐTP có diễn biến nặng đến ngay cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện cấp cứu, điều trị (Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa hoặc cơ sở điều trị khác trên địa bàn).
Ngay khi trường hợp NĐTP xảy ra, cần kịp thời đình chỉ sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm bị nhiễm độc; thu hồi thực phẩm bị nhiễm độc đã sản xuất và đang lưu thông trên thị trường; lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm xác định nguyên nhân; thông báo cho người tiêu dùng về tình trạng NĐTP hoặc bệnh truyền qua thực phẩm, thực phẩm đang lưu thông trên thị trường bị nhiễm độc để áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lan truyền bệnh, dịch do NĐTP theo đúng quy định.
Các cấp chính quyền cần kết hợp với cơ quan Công an, Pháp y, các sở, ngành liên quan tiến hành điều tra nguyên nhân và giải quyết theo quy định; nhất là trường hợp có dấu hiệu hình sự (tổn thương sức khỏe >11% (thông qua giám định), tai biến, tử vong…) thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, truy tố theo quy định.