Hà Nội tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp
Nông dân Hà Nội đang bước vào vụ xuân với nhu cầu cao về các loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên tình trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ hay rao bán trên mạng khiến việc kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn.
Mua hàng trực tuyến không rõ nguồn gốc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thuộc quản lý của ngành nông nghiệp Hà Nội. Trong số này chủ yếu là hộ cá thể trong khu dân cư, thuận tiện cho việc mua bán giao dịch của bà con nông dân. Tuy nhiên gần đây xu hướng mua bán vật tư nông nghiệp qua mạng ngày càng phổ biến làm xuất hiện tình trạng mua bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu.

Việc sử dụng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, gây suy thoái đất. Ảnh: Xuân Hoa.
Bà Chu Thanh Mai – một hộ nông dân ở Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: “Trước đây gia đình tôi hay mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại đại lý gần nhà. Gần đây tôi thấy trên mạng có quảng cáo phân bón và thuốc bảo vệ thực vật với nhiều công dụng vượt trội, không ảnh hưởng đến sức khỏe và giá rẻ nên tôi có đặt hàng về dùng. Tuy nhiên khi so sánh 2 nhãn mác bao bì cùng một nhãn hàng tôi thấy có sự khác biệt, ra đại lý hỏi tôi mới biết đó là hàng nhái, hàng giả bán trôi nổi trên mạng”.
Tình trạng sử dụng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bà Lưu Thị Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, việc sử dụng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái hay những loại nhập lậu từ nước ngoài kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, gây suy thoái đất, làm mất cân bằng hệ sinh thái và ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường kiểm tra
Trong năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã kiểm tra 61 cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt và 638 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Qua kiểm tra đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm về kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thị xã hiện có 503 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu là nhỏ lẻ, thậm chí hoạt động theo mùa vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng.
Do đó, để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ cho nông dân về sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua Sở đã kết hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn sản xuất và bảo vệ quyền lợi nông dân.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tăng cường quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản; tổ chức thẩm định, xếp loại và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; kiểm tra định kỳ các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu vi phạm hoặc có thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm.
“Người dân nên mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, hợp pháp, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm” - ông Hoa khuyến cáo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-noi-tang-cuong-quan-ly-vat-tu-nong-nghiep-10300298.html