Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại
Ngành chăn nuôi của Hà Nội hướng tới bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm soát, giết mổ, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Hà Nội có nền nông nghiệp đặc thù - nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị. Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với đặc thù riêng, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, yêu cầu đặt ra cho ngành nông nghiệp Hà Nội là phải xác định phương hướng phát triển bảo đảm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa, giữ vững an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh.
Nhiều vấn đề phải tính toán, cân đối; dịch vụ nông nghiệp sẽ được khai thác hiệu quả trên cơ sở phát triển một nền nông nghiệp đô thị sinh thái.Tốc độ tăng trưởng (GRDP) của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội năm 2023 là 2,74%, giá trị sản xuất đạt 41.681 tỷ đồng...
Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và thành tựu này được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô - ông Nguyễn Xuân Đại thông tin.Năm 2024, ngành nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5 đến 3%.
Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới.
Cùng đó, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Theo Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ), nông nghiệp phát triển trong lòng đô thị nên phải có những điểm nhấn, khác biệt, bài toán giá trị kinh tế luôn song hành với bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn…
Bên cạnh việc phát triển nông thôn mang tính đặc thù, Hà Nội gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với việc tập trung phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, ngành nghề, làng nghề...
Đến nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, địa phương sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao.
Ngoài ra, quản lý tốt trang trại chăn nuôi quy mô lớn, từng bước phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã quản lý trang trại quy mô vừa và nhỏ.
Ngành chăn nuôi của Hà Nội hướng tới bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm soát, giết mổ, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Đồng thời, bảo đảm phát triển đàn vật nuôi ổn định; dự kiến đàn trâu duy trì 28,8 nghìn con, đàn bò 135 nghìn con, đàn lợn 1,65 triệu con, đàn gia cầm 40 triệu con để góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp - ông Nguyễn Văn Chí thông tin.
Ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín (Hà Nội) cho rằng, thành tựu khoa học và công nghệ từng bước được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Từ đó, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường...; trong đó, đưa chuyển đổi số vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh, nhất là làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến.
Đến nay, huyện Thường Tín đã hình thành được 1.745 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 545 ha vùng sản xuất rau an toàn, 130 ha vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh giá trị kinh tế cao; 146,77 ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh.
Nhờ đưa công nghệ cao, kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã xây dựng được 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 chuỗi liên kết chăn nuôi, có 166 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ 3 đến 4 sao, thu nhập đạt từ 66 - 68 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, hệ thống chiếu sáng, truy xuất nguồn gốc, IoT...) và nhờ đó, nhiều mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện cho giá trị kinh tế cao, ông Bùi Công Thản chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3% trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang thực hiện cơ cấu lại lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh.
Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Cụ thể, nâng cao hiệu quả và giảm dần diện tích trồng lúa, kế hoạch gieo trồng năm 2024 là 150.000 ha, sản lượng đạt hơn 900.000 tấn/năm; tập trung phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và chế biến lúa gạo.
Đối với cây rau, mở rộng diện tích gieo trồng đạt hơn 35.000 ha; mở rộng diện tích trồng hoa đạt 7.449 ha; mở rộng diện tích cây ăn quả đạt 23.206 ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi diễn, cam canh, táo, ổi...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
Đồng thời, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân…/.