Hà Nội: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 14/6, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) đã khai mạc, xem xét nhiều nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nghe và cho ý kiến về 5 báo cáo: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII, định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025; báo cáo sơ kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; đánh giá tình hình giữa nhiệm kỳ và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cấp thành phố; báo cáo sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố.
Ngoài ra, 5 báo cáo khác cũng đã được gửi tới các đại biểu, như: Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; báo cáo kết quả giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các khâu đột phá về "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hội nhập quốc tế…".
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để nhìn lại, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, chiến lược cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ.
Gợi mở thảo luận các nội dung của Hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo và xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền trình tại Hội nghị.
Thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị
Về báo cáo kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố vừa qua, thành phố phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo. Tuy nhiên với nỗ lực, truyền thống đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Qua đánh giá, tính đến thời điểm hiện nay, so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội ước tính có 9/20 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt vào cuối nhiệm kỳ. Tính đến cuối nhiệm kỳ ước tính có 14/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; 6/20 chỉ tiêu rất khó khăn để có thể hoàn thành.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu nghiên cứu kỹ các dự thảo báo cáo, theo chức năng, nhiệm vụ đánh giá từng lĩnh vực phụ trách, làm rõ nguyên nhân, nhất là đối với những chỉ tiêu còn thấp; phân tích, dự báo khoa học về bối cảnh, tình hình mới, những xu hướng, vấn đề lớn có thể xảy ra trên thế giới và ở trong nước, những thuận lợi, khó khăn, nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ.
Bí thư Thành ủy cho biết, từ ngày 1/7/2021, thành phố đã chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Thành ủy Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị thành phố, quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đảm bảo bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật. Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Tháo gỡ các "điểm nghẽn" giải ngân vốn đầu tư công
Về tình hình thực hiện giữa nhiệm kỳ, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, Bí thư Thành ủy cho biết, trên cơ sở kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố để thực hiện phân bổ chi tiết vốn cho các dự án đã đủ điều kiện bố trí vốn trung hạn và điều chuyển nguồn vốn thực hiện của các dự án không có khả năng triển khai, giải ngân thấp sang các dự án có khả năng triển khai, hấp thụ vốn tốt hơn nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân trung hạn, hàng năm và đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu tập trung, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung như: việc điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; đánh giá tính khả thi của các khoản thu từ đất, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn huy động khác… Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thực hiện kịp thời, linh hoạt, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra và hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 sau khi được điều chỉnh.
Đối với điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp thành phố tháng 3/2023, Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân giải ngân thấp, nhất là các nguyên nhân chủ quan có tính căn cơ. Qua đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của thành phố. Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị, địa phương khác học hỏi, cùng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2023.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá cho các "điểm nghẽn" có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành; đặc biệt, cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của thành phố.
Đối với định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến bước đầu về mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và thứ tự phân bổ vốn, danh mục dự án năm 2024, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và HĐND thành phố thông qua; phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án trọng điểm và các chương trình, kế hoạch công tác của thành phố…
Ngay sau khi biểu quyết thông qua chương trình, Hội nghị đã nghe các lãnh đạo thành phố trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung: báo cáo kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp của thành phố giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025; báo cáo sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; báo cáo tóm tắt về các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII; định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố Hà Nội; đánh giá tình hình giữa nhiệm kỳ và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cấp thành phố; dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu đã chia thành 4 tổ, thảo luận về các nội dung trình xin ý kiến tại hội nghị.