Hà Nội thu ngân sách vượt 500 nghìn tỷ đồng, đặt mục tiêu GRDP tăng 6,5% năm 2025
Năm 2024, Hà Nội hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Những kết quả trên được đánh giá là bước tiến quan trọng và toàn diện, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay GRDP của thành phố cả năm dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52%. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng…
Tăng trưởng toàn diện
Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các công trình lớn được hoàn thành, trong đó điển hình là vận hành dự án đường sắt đô thị trên cao trong năm 2024.
Đặc biệt, Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc).
"Hiện nay đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu gồm Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc. Thành phố tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư và đầu tư đối với 3 cầu gồm Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi", ông Trần Sỹ Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết Hà Nội đang đặc biệt quyết tâm cải thiện môi trường. Cụ thể, về nước sạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định đến năm 2025, Hà Nội có 100% mạng lưới nước sạch đến tất cả xã, phường, thị trấn.
Về môi trường, Thành phố phấn đấu trước ngày 2/9/2025 sẽ bổ cập nước cho Hồ Tây, trên cơ sở đó tạo đà làm "sống lại" các dòng sông nội đô. Trước mắt thành phố sẽ trình sớm, xin làm giải pháp trong tình huống khẩn cấp để nhanh chóng "hồi sinh" sông Tô Lịch.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ phát động phong trào "sạch" của thành phố để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, đặc biệt là trong các quận nội đô lịch sử. Làm sao để sạch từ ý thức đến hành động của từng người dân.
Ngoài ra, sau khi có Luật Thủ đô, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để làm sạch môi trường. Trong đó, sẽ có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp sản xuất xe để hỗ trợ người dân đổi xe cơ giới chạy bằng xăng sang điện…
Về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng công tác này có sự chuyển biến tích cực. "Tuy nhiên, cải cách hành chính, chuyển đổi số của TP mới chuyển đổi đơn thuần từ quy trình thủ công sang quy trình số chứ chưa thực sự cải cách quy trình nội bộ khi số hóa. Đây là việc cần nghiên cứu để triển khai, có như vậy cải cách mới thực sự mang lại hiệu quả", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2025
Với những nền tảng đạt được trong năm 2024, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 6,5%, GRDP bình quân đầu người 172,4 triệu đồng.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 yêu cầu quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026-2030 và năm 2025; Xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2026-2030 gắn với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội".
Cùng với đó, quyết tâm hoàn thành và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện 3 chuyển đổi (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng).
Tiếp tục xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; đầu tư hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Phát triển văn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; công tác quốc phòng địa phương và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tiếp tục thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển".
Ngoài ra, thông qua 25 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: GRDP tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên; Vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo…