Hà Nội tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về 'Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về CNVH; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển CNVH, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Chiến lược phát triển các ngành CNVH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đặt mục tiêu CNVH đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và 7% GDP năm 2030. Năm 2018, CNVH đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội. Đây là tiền đề để Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước, cụ thể là: Năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2045 đóng góp 10% GRDP, đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sở dĩ Hà Nội có thể tự tin đặt mục tiêu cao bởi Hà Nội có tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển CNVH mà không phải địa phương nào cũng có được. Đó là lịch sử ngàn năm văn hiến, sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo..., trung tâm đào tạo nhân lực sáng tạo, có nguồn lực xã hội tiềm năng...

 Tiết mục múa rối mở màn Liên hoan múa rối quốc tế Hà Nội lần thứ V-năm 2018. Ảnh: THANH TÙNG.

Tiết mục múa rối mở màn Liên hoan múa rối quốc tế Hà Nội lần thứ V-năm 2018. Ảnh: THANH TÙNG.

Với vị trí đặc biệt của văn hóa Hà Nội trong tổng thể văn hóa dân tộc, việc phát triển CNVH không chỉ góp phần tạo ra nhiều doanh thu, việc làm; mà còn phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô trong thời đại toàn cầu hóa. Bởi lẽ, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ khí phách cha ông, địa linh nhân kiệt, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẽ phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long-Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

CNVH là sản phẩm của văn minh thời kỳ “hậu hiện đại”; song CNVH không mâu thuẫn với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ngược lại, nếu biết phát huy thế mạnh truyền thống làm “chất liệu” để tái sáng tạo các sản phẩm mới chính là phương cách kết hợp truyền thống và hiện đại.

Chẳng hạn, con đường gốm sứ ven sông Hồng là một sản phẩm CNVH thành công, vừa là sản phẩm văn hóa có tính tư liệu, vừa là điểm tham quan du lịch, đồng thời tô đẹp cảnh quan thành phố. Hà Nội cần thêm nhiều sản phẩm CNVH tương tự, song mang tính hiện đại hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn để phù hợp với thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của thế hệ “công dân số”.

 Các nghệ sĩ biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội trong khuôn khổ Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018. Ảnh: THANH TÙNG.

Các nghệ sĩ biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội trong khuôn khổ Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018. Ảnh: THANH TÙNG.

Làm tốt hai đột phá chiến lược

Phát triển CNVH là công việc mới mẻ, phức tạp, trong khi đó Hà Nội lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Có ý kiến cho rằng, Hà Nội cần mời các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các quốc gia có nền CNVH tiên tiến để tư vấn, lập kế hoạch phát triển mới mong đi đúng hướng.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết, song Hà Nội cần chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển CNVH. Như vậy mới phù hợp với tình hình, đặc điểm, mục tiêu phát triển CNVH mà Hà Nội mong muốn đạt được”. Cũng theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, có hai vấn đề Hà Nội cần ưu tiên quan tâm để phát triển CNVH là thành lập một cơ quan chuyên trách và đầu tư nguồn lực toàn diện.

Chính phủ đã xác định có 12 lĩnh vực CNVH ở nước ta song lại do nhiều bộ, ngành quản lý. Để tránh chồng chéo, bảo đảm đồng bộ để thực hiện đề án chuyên sâu ở từng lĩnh vực và thuận tiện theo dõi, đôn đốc, giám sát, Hà Nội cần sớm thành lập một cơ quan chuyên trách. Nếu không rất dễ xảy ra hiện tượng “cha chung không ai khóc” hoặc “mạnh ai nấy làm”, vừa lãng phí lại không hiệu quả.

Về đầu tư nguồn lực, có 3 phương diện cần đặc biệt chú ý, đó là: Tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực. Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được thông qua cuối năm 2023, đề xuất đưa quy định Hà Nội sẽ dành 2% chi thường xuyên cho văn hóa. Đây là bước tiến lớn bởi trong những năm trước, con số chỉ là 1,8% nhưng Hà Nội cũng như đa số các địa phương không thực hiện được.

 Tiết mục múa rối mở màn Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V - Hà Nội năm 2018. Ảnh: THANH TÙNG

Tiết mục múa rối mở màn Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V - Hà Nội năm 2018. Ảnh: THANH TÙNG

Song, vấn đề cốt lõi là chính quyền Hà Nội cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể (nhất là về thể chế, chính sách) nhằm khơi dậy nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để phát triển CNVH, bởi không có nơi nào phát triển thành công CNVH mà chỉ dựa vào đầu tư công. Lấy ví dụ, muốn có nền CNVH Thủ đô phát triển lại tạo ra các sự kiện, thương hiệu văn hóa của Hà Nội (lễ hội ẩm thực, liên hoan phim, tuần lễ thời trang, triển lãm mỹ thuật...) và bản thân Hà Nội cũng cần tích cực tham dự các sự kiện văn hóa nổi bật trên thế giới. Rõ ràng, nếu có nguồn lực xã hội (kinh phí và kinh nghiệm tổ chức) tiếp sức, Hà Nội sẽ có điều kiện tạo ra sự kiện văn hóa tầm cỡ thế giới, kích thích CNVH phát triển.

Trên địa bàn Hà Nội có số lượng thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất khá lớn, song về mặt công năng sử dụng còn hạn chế, chưa thể tạo lực đẩy để phát triển CNVH. Hà Nội chưa có nhà triển lãm quy mô tầm cỡ để tổ chức các sự kiện tầm vóc quốc gia. Và nếu xây dựng, Hà Nội cần tham khảo mô hình một số nhà triển lãm kết hợp là trung tâm sáng tạo để nghệ sĩ, người dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu, thực hành về CNVH, công nghiệp sáng tạo và kinh tế sáng tạo. Mô hình sẽ là một khu liên hợp để “ươm mầm” ý tưởng sáng tạo về văn hóa, có thể thực hành tại chỗ.

Quan trọng nhất là vấn đề nhân lực. Đào tạo CNVH một cách bài bản đương nhiên phải chuyên sâu ở bậc đại học. Các trường cao đẳng, đại học có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo các lĩnh vực CNVH Hà Nội lại trực thuộc quản lý của các bộ, ngành; Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về mặt đào tạo. Cho nên, Hà Nội cần sớm trao đổi, hợp tác “đặt hàng” đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong công trình nghiên cứu CNVH của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xuất bản năm 2018, có đề xuất nhiều nhóm công việc giáo dục mà Hà Nội có thể tham khảo thực hiện, đó là: Đưa giáo dục sáng tạo phát triển sâu rộng ở cấp phổ thông cơ sở, thiết lập khóa học sáng tạo ngắn ngày nhưng chuyên nghiệp do các giảng viên đầu ngành tham gia, nâng cao hình ảnh nghề nghiệp về CNVH... Từ nay đến năm 2045, thời gian đủ để một thế hệ mới ra đời và trưởng thành, nếu chậm trễ xây dựng đội ngũ nhân lực, CNVH Hà Nội sẽ khó phát triển bền vững như kỳ vọng.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ha-noi-tien-phong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-687883