Bài toán lưới điện cho xe điện ở vùng lõi Hà Nội không hề khó giải
Câu hỏi nhiều người đang đặt ra là hệ thống lưới điện của Hà Nội, đặc biệt trong vùng lõi (bao quanh bởi vành đai 1) có đáp ứng đủ nhu cầu của xe điện hay không. Lời giải không khó nếu chúng ta dùng phương án 'thông minh'.

Sạc xe điện sẽ là bài toán nóng trong thời gian tới
Cho đến nay, câu chuyện Hà Nội rục rịch chuyển xe xăng sang xe điện vẫn đang là đề tài nóng. Theo tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng chính phủ, đến ngày 1.7.2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1. Từ ngày 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là hệ thống năng lượng của Hà Nội, đặc biệt trong vùng lõi (bao quanh bởi vành đai 1) có đáp ứng đủ nhu cầu của xe điện hay không. Chắc chắn một điều là khi xe xăng chuyển sang xe điện thì nhu cầu về điện sẽ tăng cao theo đúng nguyên lý bảo toàn năng lượng: “Năng lượng không tự sinh ra và không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”.
Để tính con số này cũng không khó lắm mà chỉ cần tính số lượng xăng các trạm trong khu vực tiêu thụ trong 1 tuần. Từ số lượng xăng đó tính ra số năng lượng mà các xe cần, cộng thêm điều chỉnh ra hệ số có thể quy đổi ra số lượng điện cần để cấp cho các phương tiện giao thông. Có thể con số tính ra không chính xác tuyệt đối nhưng cũng giúp chúng ta hình dung được biểu đồ phân bố năng lượng ở trong vùng lõi, thậm chí ở từng phường thông qua số xăng tiêu thụ tại từng trạm.
Khi đã có con số năng lượng cụ thể cho từng trạm thì bài toán về điện trở nên dễ giải hơn rất nhiều. Bài toán lúc này sẽ thuộc về điều tiết lưới điện để sao cho phù hợp với tải điện. Chúng ta lúc đó sẽ cần việc hài hòa lưới điện giữa sinh hoạt và giao thông, có sự phân bổ để không xảy ra tình trạng quá tải.
Các nước phát triển xe điện đều phải trải qua bài toán về sản lượng điện cấp cho các phương tiện giao thông cá nhân. Họ đã và vẫn đang giải bài toán điều tiết lưới điện thông minh và thỏa đáng mà chúng ta có thể áp dụng.
Tại các nước phát triển xe điện, họ không chỉ xây dựng phần cứng là mạng lưới trạm sạc thông minh mà còn có phần mềm là những chính sách “ổn áp” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Điển hình là việc tính giá điện theo thời điểm (Time-of-Use Pricing) mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.
Với giá điện sạc xe điện thay đổi theo từng khung giờ trong ngày, người dùng sẽ chọn sạc sao cho lợi nhất và an toàn cho lưới điện nhất. Cụ thể, giá thấp hơn vào ban đêm/giờ thấp điểm: Khuyến khích người dùng sạc xe vào ban đêm hoặc những giờ ít người sử dụng điện, giúp cân bằng tải lưới điện và giảm áp lực vào giờ cao điểm. Đồng thời, giá cao hơn vào giờ cao điểm: Ngăn chặn việc sạc ồ ạt khi nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và công nghiệp đang ở mức cao nhất.
Trên thực tế, Việt Nam đã chính thức có biểu giá điện linh hoạt theo giờ riêng dành cho các trạm sạc xe điện. Đây là một điểm mới rất quan trọng trong chính sách giá điện, được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số 14/2025/QĐ-TTg vào cuối tháng 5.2025 (có hiệu lực từ ngày 10.5.2025). Trước đây, các trạm sạc thường áp dụng giá điện kinh doanh hoặc sản xuất, nhưng với quyết định mới, có một biểu giá riêng biệt, tính theo cấp điện áp và khung giờ sử dụng. Điều này giúp rất nhiều trong việc giải bài toán điều tiết điện cho các trạm điện không chỉ hiện tại mà trong tương lai.

Phụ lục về giá điện cho xe sạc điện trong Quyết định số 14/2025/QĐ-TTg
Phần còn lại là bài toán điều tiết lưới điện khi người dân sạc tại nhà. Điều này trước là khó với việc điều tiết tải lớn trong dân nhưng công nghệ hiện nay cho phép kiểm soát điều đó. Một số quốc gia trên thế giới đang xem xét hoặc đã đưa ra quy định yêu cầu tất cả các bộ sạc xe điện mới lắp đặt tại nhà phải có chức năng thông minh (ví dụ: có khả năng kết nối mạng và nhận tín hiệu điều khiển). Khi các bộ sạc này “thông minh” và được điều khiển một cách “thông minh” từ nhà cung cấp điện, bài toán điều tiết lưới điện tại nhà sẽ được giải quyết.
Điểm cơ bản của sạc thông minh (Smart Charging)
Sạc thông minh là chìa khóa để quản lý tải điện tại nhà một cách hiệu quả.
Bộ sạc thông minh (Smart Chargers): Đây là các bộ sạc được kết nối internet, có thể điều khiển từ xa thông qua ứng dụng điện thoại. Chúng cho phép người dùng:
Đặt lịch sạc: Lên lịch để xe tự động bắt đầu sạc vào giờ thấp điểm (ví dụ: bắt đầu sạc lúc 11 giờ đêm và dừng lúc 5 giờ sáng).
Tối ưu hóa chi phí: Tự động sạc khi giá điện thấp nhất dựa trên biểu giá TOU hoặc biểu giá động.
Giám sát và kiểm soát từ xa: Theo dõi trạng thái sạc, lượng điện đã sạc và dừng/bắt đầu sạc từ bất cứ đâu.
Cân bằng tải động (Dynamic Load Balancing - DLB): Đây là một tính năng quan trọng của bộ sạc thông minh. DLB theo dõi mức tiêu thụ điện tổng thể của ngôi nhà trong thời gian thực. Nếu bạn bật các thiết bị điện công suất lớn (như máy giặt, điều hòa), DLB sẽ tự động giảm công suất sạc của xe điện để tránh vượt quá giới hạn điện của hộ gia đình (ví dụ: aptomat không nhảy, tránh quá tải đường dây). Khi các thiết bị khác tắt, công suất sạc của xe sẽ được tăng trở lại. Điều này giúp tránh việc phải nâng cấp đường dây điện hoặc công tơ tốn kém.
Tích hợp năng lượng tái tạo tại nhà: Các hệ thống sạc thông minh có thể được tích hợp với hệ thống năng lượng mặt trời (điện mặt trời mái nhà) hoặc pin lưu trữ tại nhà. Xe điện có thể được ưu tiên sạc bằng năng lượng sạch tự sản xuất khi có thừa, hoặc sạc từ pin lưu trữ vào giờ cao điểm, giảm phụ thuộc vào lưới điện và cắt giảm chi phí.