Hà Nội và 'mỏ vàng' di sản chờ khai thác

Hà Nội - thành phố di sản với gần 6.500 di tích, coi đầu tư văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về trách nhiệm bảo tồn di sản

Sáng 21/5, tại khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Ngoại giao - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, di sản không chỉ là ký ức của quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai, một nguồn lực quý giá giúp các cộng đồng định vị bản sắc văn hóa, củng cố sự gắn kết xã hội và tạo động lực cho phát triển sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBQG UNESCO Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBQG UNESCO Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội thảo.

Tuy nhiên, các di sản văn hóa và thiên nhiên đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, du lịch đại trà và sự thờ ơ của con người. Trong bối cảnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trở nên cấp thiết để gìn giữ quá khứ và tạo nền tảng phát triển bền vững. Tinh thần này đã được khẳng định trong công ước di sản thế giới 1972 của UNESCO, văn kiện kết nối bảo tồn thiên nhiên với di sản văn hóa, hướng tới sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận cùng hàng nghìn di sản cấp quốc gia. Mỗi di sản là kết tinh lịch sử, văn hóa và mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Nếu được bảo tồn hiệu quả, đây sẽ là tài sản chiến lược thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo việc làm bền vững và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Trong thời đại số, bảo tồn di sản cần gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, truyền thông mạng xã hội và mô hình đối tác công - tư. Cộng đồng giữ vai trò trung tâm, không chỉ là người thụ hưởng mà còn là chủ thể sáng tạo. Những mô hình như tại quần thể danh thắng Tràng An - khu di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa duy nhất của Việt Nam cho thấy, khi người dân, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ được trao quyền và tham gia thực chất, di sản có thể trở thành nền tảng cho phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường và gắn kết cộng đồng một cách bền vững.

“Với tinh thần đó, hội thảo này là một định hướng hết sức đúng đắn, kịp thời và thiết thực, đồng thời góp phần thực hiện những nội dung quan trọng của các hội nghị quốc tế như hội nghị thượng đỉnh tương lai (Future Summit), các cam kết tại hội nghị P4G vừa qua - nơi Việt Nam thể hiện vai trò trách nhiệm và tích cực trong thúc đẩy hợp tác đa phương vì một tương lai xanh và bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Trên cơ sở những nội dung nêu trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã đặt ra 6 vấn đề lớn để hội thảo thảo luận. Trong đó, có việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để cộng đồng được tham gia quản lý di sản, nâng cao năng lực cộng đồng, lồng ghép tri thức bản địa vào quy hoạch phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và mở rộng hợp tác quốc tế…

“Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội được biết đến là “thành phố di sản” với các di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển văn hóa và du lịch văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của hội thảo.

Thành phố Hà Nội xác định “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, trong đó, việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, của toàn xã hội và mỗi người dân.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý di tích nói chung và di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nói riêng vẫn còn đặt ra nhiều thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất những giải pháp bảo tồn từ nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, khi Thủ đô Hà Nội - thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được định hướng phát triển không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ.

“Tại hội thảo ngày hôm nay, Thành phố Hà Nội mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu di sản, tiếp cận dựa vào cộng đồng. Đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ với nỗ lực của thành phố trong việc phát huy giá trị, bảo tồn di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, bà Hà nhấn mạnh.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện cộng đồng.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện cộng đồng.

Tạihội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

Giám đốc Trung tâm di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cũng đã trực tiếp giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp quản lý di sản thời gian tới, gồm hoàn thiện khung pháp lý; nâng cao nhận thức và vai trò cộng đồng - chủ sở hữu di sản; bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và du lịch bền vững; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đào tạo cán bộ và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy di sản.

Phương Cúc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-va-mo-vang-di-san-cho-khai-thac-388608.html