Hà Nội: Vì đâu cây xanh gãy đổ hàng loạt sau bão?

Bão số 3 đi qua, thiệt hại về cây xanh trên địa bàn Thủ đô quá lớn, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, quý hiếm. Theo các chuyên gia, nếu được chăm sóc và quản lý tốt, dù bão Yagi có sức tàn phá ghê gớm, hậu quả chưa chắc lớn đến vậy.

Cây trồng quá nông, đổ không khó hiểu

Đến chiều 9/9, trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội vẫn la liệt cây xanh gãy đổ, khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Bão số 3 khiến rất nhiều cây xanh Hà Nội bị gãy đổ, bật gốc. (Trong ảnh: Cây đổ tại phố Nhà Thờ, Hà Nội chắn ngang đường). Ảnh: Tạ Hải.

Bão số 3 khiến rất nhiều cây xanh Hà Nội bị gãy đổ, bật gốc. (Trong ảnh: Cây đổ tại phố Nhà Thờ, Hà Nội chắn ngang đường). Ảnh: Tạ Hải.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn TP Hà Nội, hiện có khoảng 142.000 cây xanh đô thị do thành phố quản lý. Tính đến tối 8/9, trên địa bàn có khoảng hơn 25.000 cây đổ và gãy cành, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm… Cây xanh gãy đổ không chỉ làm hư hại cơ sở hạ tầng, tài sản người dân, cản trở giao thông còn làm nhiều người bị thương vong.

Với việc cây xanh gãy đổ nhiều như vậy, câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai cần được đặt ra. Vì thế, cùng với việc cố gắng giữ lại được những cây quý hiếm, có giá trị, trước khi trồng cây thay thế cần phải xem xét thấu đáo trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan. Không thể nói rằng bão to là bất khả kháng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong số các cây xanh tại Hà Nội gãy đổ, bật gốc, không ít cây vẫn còn nguyên bọc bầu đất bằng nilon hoặc bao tải buộc chặt dây chưa được tháo gỡ.

Ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc hàng vạn cây xanh gãy đổ có thể do chủng loại cây đô thị không phù hợp, kỹ thuật trồng cây cũng cần phải được xem lại.

Theo ông Học, thực tế, gió bão lớn gây đổ cây cối là khó tránh. "Tuy nhiên, nếu trồng cây to, lúc đầu nhìn thì đẹp nhưng rễ không ăn sâu được xuống lòng đất, cây dễ bị sâu bệnh và gãy đổ. Còn nếu trồng cây nhỏ theo phương pháp đào hố sâu khoảng 1m, rồi lấp đất dần theo sinh trưởng của cây, xung quanh dùng cọc chống đỡ cẩn thận thì rất khó bị đổ, kể cả bão", ông Học nhận định.

Lộ hàng loạt bất cập

Ông Học cũng cho rằng, những năm gần đây, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục trong việc trồng cây đô thị. Nhưng mỗi mùa mưa bão vẫn lộ ra những bất cập cần phải khắc phục: "Sự việc vừa qua cho thấy phần nào những bất cập trong công tác quản lý, trồng cây xanh của Thủ đô hiện nay. Bởi trong hàng ngàn cây bị gãy đổ có rất nhiều cây có dấu hiệu chưa được trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật, còn nilon quấn bầu đất, trồng rất nông so với mặt đường".

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng, sau trận bão số 3 vừa qua, một trong những nguyên nhân dễ thấy là nhiều cây trồng rất nông: "Đa số rễ cây chỉ sâu khoảng 1m, nếu cây đạt độ sâu khoảng 3m thì rất khó gãy đổ".

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, việc hàng vạn cây xanh gãy, đổ sau bão số 3, bản thân lãnh đạo đơn vị cũng rất đau xót.

"Hiện, chúng tôi đang tập trung toàn bộ nhân lực, huy động thêm người từ các cơ sở, bố trí trang thiết bị giải tỏa cây đổ, cành gãy để đảm bảo an toàn giao thông. Với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, chúng tôi đang kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển", vị này cho biết.

Cần gì để khắc phục?

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng, quản lý cây xanh đô thị, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện và quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng.

Cây xà cừ lớn trên phố Nguyễn Thái Học bị bật gốc.

Cây xà cừ lớn trên phố Nguyễn Thái Học bị bật gốc.

Đồng thời, cần giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, công an, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị; Xây dựng và thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân không thực hiện theo quy định.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam cho biết, cây xanh đô thị không những làm đẹp thành phố, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị mà còn có tác dụng phòng hộ, cải thiện khí hậu. Do đó, cần sớm hoàn chỉnh và cập nhật các quy trình, quy phạm trong công tác quản lý, giám sát để đảm bảo hệ thống cây xanh đô thị được phát triển bền vững.

GS.TS Vũ Trọng Hồng thì cho rằng, bão đi qua, chính quyền cũng như cơ quan chức năng TP cần nhìn nhận một cách tổng thể để có chính sách quản lý chặt chẽ hơn đối với vấn đề cây xanh.

"Theo quy trình chống bão, trước khi bão đến phải đi kiểm tra. Ngay trong mùa bão buộc phải rà soát lại tất cả cây xanh và phải cưa những cây, cành có nguy cơ gãy đổ.

Các loại cây trồng cũng cần xem lại về chủng loại. Cần trồng những loại cây có thể chống được bão, cái này các chuyên gia nông nghiệp họ có thể tư vấn được ngay", ông Hồng góp ý.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-vi-dau-cay-xanh-gay-do-hang-loat-sau-bao-192240910003743741.htm