Hà Nội: Việc chuẩn bị kỹ là yếu tố quan trọng để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn
Với số lượng 1/10 trong tổng số thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh nhiều nhất trong các địa phương, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội xác định, việc chuẩn bị kỹ càng, toàn diện là yếu tố quan trọng để kỳ thi diễn ra an toàn.
Thực hiện nghiêm túc quy chế thi
Theo ông Trần Thế Cương - GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, thời điểm này, công tác in sao đề thi đang được TP Hà Nội triển khai theo tiến độ và bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Hà Nội có 189 điểm thi tốt nghiệp, trong đó có 152 điểm thi đã được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và 37 điểm thi mới. Đây là một thuận lợi lớn, song không vì thế mà các nhà trường được chủ quan. Để tổ chức kỳ thi an toàn và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, ông Trần Thế Cương yêu cầu 189 cán bộ làm trưởng điểm thi, khi nhận bàn giao cơ sở vật chất phải kiểm tra, rà soát kỹ, xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó có tính đến phương án dự phòng để chủ động xử lý nhanh, hiệu quả, đúng quy chế với các trường hợp phát sinh.
Cụ thể, Trưởng điểm thi chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT Hà Nội, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP về việc tổ chức kỳ thi tại điểm thi mình phụ trách. Sở GD&ĐT yêu cầu các trưởng điểm thi thực hiện “3 không”: Không lơ là chủ quan, không tự ý xử lý các tình huống bất thường và không gây căng thẳng, áp lực quá mức. TP bố trí 189 điểm thi với hơn 4.200 phòng thi; điều động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT; 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên.
Ông Trần Thế Cương đề nghị, cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi không được chủ quan, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững văn bản hướng dẫn, quy chế thi để đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, minh bạch, chất lượng. Các trưởng điểm thi cần chủ động làm việc với Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh cấp quận, huyện, thị xã và chính quyền địa phương về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho điểm thi; phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc trước điểm thi; dự kiến phương án bảo vệ, nhất là phòng thi sát nhà dân, tường rào không đảm bảo…; đề xuất phương án phòng, chống cháy nổ, mưa lũ, ngập úng, mất điện, công tác y tế đảm bảo an toàn cho điểm thi trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Ông Trần Thế Cương lưu ý các trưởng điểm thi phải phân công công việc rõ người rõ việc, đảm bảo 100% cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi được tập huấn kỹ. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, lực lượng này phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi, nhưng không tạo sự căng thẳng cho thí sinh. Với những thí sinh có vấn đề cần giúp đỡ, các trưởng điểm thi cần báo cáo đơn vị chức năng và phân công các lực lượng hỗ trợ tối đa cho thí sinh, nhưng phải đúng quy chế thi. Khi phát hiện tình huống bất thường cần bình tĩnh xử lý, tuyệt đối không được làm thí sinh hoang mang, ảnh hưởng tới chất lượng bài thi và quyền lợi của thí sinh trong kỳ thi.
Bà Đoàn Thị Kiều Oanh - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để phục vụ kỳ thi, Sở đã điều động 598 cán bộ thanh tra, trong đó có 40 thanh tra dự phòng. Với 152 điểm thi trùng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trước đó, Sở đã yêu cầu tự kiểm tra, rà soát và báo cáo chi tiết. Với 37 điểm thi mới, Sở đã cử 4 tổ công tác đi kiểm tra các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi. Bên cạnh đó, 16 cụm trưởng các cụm trường THPT trên địa bàn TP cũng đi kiểm tra chéo, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, chất lượng...
Khi chưa hết thời gian làm bài, đề thi thuộc cấp độ bí mật Nhà nước độ “Tối mật”
Cũng theo GĐ Sở GD&ĐT, về thời điểm thí sinh được ra khỏi phòng thi, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài môn thi tự luận. Tuy nhiên, thí sinh không được ra khỏi phòng thi mà ở tại phòng chờ. Đây là điều các nhà trường đã được chỉ đạo cần thông tin rõ tới thí sinh để nắm rõ, tuân thủ, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến kỳ thi.
Liên quan đến việc hỗ trợ các thí sinh có vấn đề về sức khỏe, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định không cấm thí sinh mang theo thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Các điểm thi bảo đảm phương án hỗ trợ tối đa để thí sinh làm bài thi tốt nhất, đồng thời bảo đảm đúng quy chế thi. Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT của Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiểm tra, rà soát hồ sơ đề nghị xét miễn thi của các thí sinh. Kết quả, 179 thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở tất cả bài thi. Trong đó, 27 thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa được chọn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, 2 thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia về khoa học kỹ thuật được chọn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, 144 thí sinh khuyết tật nặng và 6 thí sinh khuyết tật đặc biệt nặng.
Ngoài những thí sinh được miễn tất cả bài thi, Hà Nội có 16.118 thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, 15.580 thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh, 113 thí sinh có các chứng chỉ tiếng Pháp, 37 thí sinh có các chứng chỉ tiếng Đức, 288 thí sinh có các chứng chỉ tiếng Trung và 100 thí sinh có các chứng chỉ tiếng Nhật.
Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT đều được tính 10 điểm môn Ngoại ngữ. Điểm số này không dùng để xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy, thí sinh có thể đăng ký thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển vào các trường. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, được tổ chức vào ngày 28 và 29/6 tại 63 tỉnh, TP. Kỳ thi có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là Toán (90 phút), Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút); 1 bài thi tổ hợp KHTN gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp KHXH gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT. 14h ngày 27/6, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, kỳ thi có tính chất quan trọng lại tổ chức trên quy mô lớn, các địa phương địa hình khác nhau… nên hết sức phức tạp. Cần phải bảo đảm các yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, đúng quy chế. Để làm được điều đó, một nội dung quan trọng là trước kỳ thi, phải tuyên truyền cho thí sinh, cán bộ, giáo viên biết, khi chưa hết thời gian làm bài thì đề thi thuộc cấp độ bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Việc để lộ, lọt đề thi sẽ bị xử lý hình sự.