Hà Nội với 'cuộc chiến' giành lại vỉa hè: Vẫn chỉ là 'bắt cóc bỏ đĩa'

Sau các cuộc ra quân rầm rộ, nghiêm túc… vỉa hè Hà Nội vẫn không phải là của người đi bộ.

Hàng quán, phương tiện giao thông trước cổng trường học trên địa bàn phường Phú Diễn.

Hàng quán, phương tiện giao thông trước cổng trường học trên địa bàn phường Phú Diễn.

Hà Nội nhiều lần phát động “cuộc chiến” giành lại vỉa hè, thế nhưng đã gần 10 năm (kể từ năm trật tự văn minh đô thị đầu tiên - 2014) đến nay chính quyền vẫn… bất lực.

Vì đâu khó xử lý?

Đầu giờ sáng, hay khi tan học, giao thông tại đối diện cổng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội (ngõ 187 đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) hàng chục xe máy đỗ dưới lòng đường, phía trên vỉa hè là nhiều hàng quán kinh doanh nước uống, đồ ăn. Việc này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh, sinh viên lưu thông qua đây.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại một quán bán đồ ăn nhanh trong ngõ 187 đường Phú Diễn, dọc vỉa hè chở thành điểm đỗ xe và bày bán kinh doanh, phía bên trong biển quảng cáo là bãi gửi xe.

Anh Đinh Văn Thanh (trú tại huyện Gia Lâm) cho biết, mình thường xuyên đến khu vực phường Phú Diễn làm việc và đã quen với tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị ở đây. “Dừng đỗ xe cả ngày dưới lòng đường, quán nước tràn lan trên vỉa hè không bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở, xử lý...”, anh Thanh cho hay.

Không chỉ khu vực đường Phú Diễn, tại ngõ 2 đường Phan Bá Vành (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cũng xuất hiện bãi dừng đỗ xe cạnh nhiều sân bóng cỏ nhân tạo và hàng loạt nhà xưởng mới được xây dựng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

“Ở đây mới có 8 sân bóng vừa được xây dựng đưa vào sử dụng. Sân nằm sâu trong ngõ nhỏ, cạnh nhà xưởng nhưng thu hút nhiều đội đăng ký đá, nhất là ngày cuối tuần và buổi tối. Tôi cũng lo lắng không may xảy ra cháy nổ…”, anh Cường trú phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ lo lắng.

Liên quan đến phản ánh về quản lý đô thị, xây dựng trên, Báo GD&TĐ đã liên hệ với UBND phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), vị đại diện phường Phú Diễn cho biết sẽ kiểm tra thông tin và hồ sơ liên quan.

Tương tự, tại số 7 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) vỉa hè ghi nhận có nhiều ô tô với dòng chữ Sao Việt trên nắp ca - pô đỗ trên vỉa hè, gây khó khăn cho người đi bộ dù đây là khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia đông.

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội (chiều 7/12), đại biểu Duy Hoàng Dương (Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội) đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 197 và đảm bảo trật tự vỉa hè.

Trả lời về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá việc đảm bảo trật tự vỉa hè là vấn đề rất phức tạp. Đây không phải trách nhiệm riêng của lực lượng công an mà của cả sở, ngành, các cấp. Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ban Chỉ đạo 197 xuống tận cấp phường, xã, trong đó công an là vai trò thường trực.

“Đúng là nó phức tạp, tôi rất phân vân khi đặt vấn đề, đề xuất lên đồng chí trưởng ban chỉ đạo khi xử lý, giải quyết vấn đề vỉa hè; rất suy nghĩ chuyện nó có bền vững hay không, hay rồi lại đâu vào đấy đúng như đại biểu Dương nêu... Mỗi đợt ra quân có được cải thiện, sau đó đúng là đâu lại vào đấy...”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung bày tỏ.

Đề cập đến lý do tình trạng lấn chiếm vỉa hè chưa được giải quyết triệt để, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, đây là nguồn thu nhập chính của bộ phận không nhỏ người dân gắn với kinh doanh trên hè phố, quen thuộc với văn hóa vỉa hè Hà Nội.

Đồng thời, nhu cầu dừng đỗ phương tiện cá nhân, bao gồm ô tô của người dân rất lớn, trong khi hạ tầng của thành phố chưa đáp ứng. Nhất là tuyến phố cổ, phố cũ, khu đô thị, bệnh viện lớn... việc này dẫn đến tình trạng phương tiện đỗ, dừng không đúng nơi quy định.

Khu vực nhiều nhà xưởng, bãi đỗ xe cùng sân bóng đá mới được xây dựng tại ngõ 2 đường Phan Bá Vành (phường Phú Diễn).

Khu vực nhiều nhà xưởng, bãi đỗ xe cùng sân bóng đá mới được xây dựng tại ngõ 2 đường Phan Bá Vành (phường Phú Diễn).

Không để “trên nóng dưới lạnh”

Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề này, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ bến đỗ, tuyến đỗ, giải quyết kinh tế của các hộ kinh doanh gắn với bảo đảm trật tự an toàn đô thị hiện nay. Đồng thời, tính toán việc quản lý khai thác vỉa hè bảo đảm hài hòa giữa bài toán kinh tế và trật tự đô thị.

Trên cơ sở đó, Công an TP Hà Nội đã tham mưu và lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở GTVT tham mưu, nghiên cứu thực hiện các đề án quản lý sử dụng lòng đường, hè phố. Đồng thời quy hoạch các tuyến phố cấm dừng đỗ phương tiện, đưa ra tiêu chí cụ thể cho phép dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường nhằm giải quyết tận gốc những bất cập trên.

Về phía Công an TP, đơn vị đã tham mưu Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung các biện pháp bảo đảm trật tự đô thị, nâng cao trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt trong bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, không để “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy trách nhiệm…

Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo quyết liệt xây dựng công an phường điển hình kiểu mẫu về trật tự, an toàn và văn minh đô thị, trong đó có tiêu chí về trật tự lòng đường, vỉa hè. Công an TP Hà Nội đang tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về xây dựng phường điển hình kiểu mẫu như vậy.

Trước đó, năm 2014, TP Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố (khi đó là ông Nguyễn Thế Thảo) về “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Đến năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn.

Năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện.

Đầu năm 2023 (ngày 15/2/2023) Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2023.

Với vai trò chủ đạo, Công an Hà Nội cho biết, kế hoạch được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn; bắt đầu từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2/2023. Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm từ ngày 1 đến 31/3/2023. Giai đoạn 3, tiếp tục duy trì hiệu quả công tác tuyên truyền, xử lý.

Sau các cuộc ra quân rầm rộ, nghiêm túc… vỉa hè Hà Nội vẫn không phải là của người đi bộ.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-voi-cuoc-chien-gianh-lai-via-he-van-chi-la-bat-coc-bo-dia-post664435.html