Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí văn hóa có bản sắc riêng

Thủ đô Hà Nội đang tích cực triển khai Nghị định số 86/2023/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng các danh hiệu văn hóa. Nghị định mới này, thay thế cho Nghị định 122/2018/NĐ-CP, đặt ra yêu cầu xây dựng tiêu chí chi tiết phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đối với Hà Nội, đây là cơ hội để xây dựng bộ tiêu chí vừa đáp ứng yêu cầu chung, vừa thể hiện được bản sắc riêng của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' trên địa bàn Thủ đô.

Thực tiễn kết quả triển khai của thành phố Hà Nội cho thấy phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, từ năm 2018 tới nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt từ 85-88%. Phong trào xây dựng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa” đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nhiều địa phương, làm thay đổi bộ mặt đời sống, xã hội. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị. Các phong trào văn hóa - thể thao nhờ đó cũng phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa vẫn còn bộc lộ những bất cập, khó khăn. Có nơi, có lúc việc công nhận các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, có khuynh hướng nặng theo chỉ tiêu hoặc tỷ lệ đạt rất cao nhưng thực tế có nhiều tiêu chí chưa đạt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập này là tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bình xét chưa sát thực tế.

Để hoàn thiện tiêu chuẩn chi tiết, cụ thể phục vụ công tác bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu” đảm bảo sát với thực tiễn, phù hợp với đặc thù của Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức lấy ý kiến từ thực tiễn địa phương tại quận Ba Đình và huyện Phúc Thọ và các chuyên gia văn hóa. Các đại biểu tham dự đã tham gia đóng góp, đề xuất các ý kiến tập trung vào các nội dung như: Tham gia đóng góp vào dự thảo tiêu chí xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” và “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

Đối với mỗi danh hiệu, các ý kiến đã tập trung vào nội dung tiêu chí và điểm chấm chi tiết; đề xuất điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí, nội dung để phù hợp với quá trình triển khai thực tế tại cơ sở. Cụ thể, mỗi danh hiệu sẽ gồm 4 phần: chi tiết các nội dung theo khung tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 86/2023/NĐ-CP, quy định về điểm cộng, quy định về điểm trừ và quy định về điểm liệt.

Ông Trần Văn Minh, Trưởng thôn 6, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ cho hay: “Về cơ bản tôi hoàn toàn đồng tính nhất trí đánh giá cao về Bố cục của dự thảo Quyết định ban hành Quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự thảo được trình một cách bài bản, sắp xếp hợp lý. Nội dung các tiêu chuẩn, chấm điểm, đánh giá trong khung dự thảo được chi tiết, cụ thể rõ ràng, mạch lạc rất thuận lợi cho thôn trong quá trình bình xét. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu dự thảo xét tặng các danh hiệu, tôi đề xuất theo như Nghị định 86/2023 ngày 7/12/2023 cũng như trong dự thảo của Sở về tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu văn hóa tôi chưa thấy có thang điểm chuẩn bao nhiêu khi tổng điểm, điểm trừ, còn bao nhiêu điểm thì đủ điều kiện xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, xã Văn hóa tiêu biểu”.

Còn PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề xuất ba yếu tố cần đảm bảo khi xây dựng khung tiêu chí: Tính mới so với tiêu chí cũ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, và phù hợp với đặc thù địa phương. Ông nhấn mạnh rằng các tiêu chí càng ngắn gọn, súc tích sẽ càng hiệu quả trong thực tế.

Tương tự, PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện Trưởng Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ sự đánh giá cao đối với quy trình ban hành văn bản của Ban Tổ chức, từ việc xây dựng dự thảo, lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa, đến ban hành chính thức. Ông đề xuất việc xây dựng các tiêu chí chi tiết dựa trên khung tiêu chuẩn của Nghị định 86/2023/NĐ-CP, đồng thời bổ sung các tiêu chí đặc thù của Hà Nội, đảm bảo dễ nhớ, dễ thực hiện cho người dân và tránh quá chi tiết. Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chí “Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” trong việc xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh bày tỏ sự tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Bà hy vọng những đóng góp này sẽ giúp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở ngành liên quan hoàn thiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các tiêu chí xét tặng danh hiệu văn hóa. Mục tiêu là tạo ra bộ tiêu chí mang tính đột phá, sát với thực tiễn và thể hiện được đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội cho các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” và “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-xay-dung-bo-tieu-chi-van-hoa-co-ban-sac-rieng-176931.html