Hà Nội: Xây dựng chuyển đổi số phát triển sản phẩm OCOP

Hà Nội, đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Các hoạt động đã được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Hà Nội trên thị trường.

Bà Phan Thị Thuận chia sẻ: “Sen đã được công nhận là quốc hoa giúp các sản phẩm làm từ tơ sen phát triển và tiêu thụ tốt”. Ảnh: Nguyễn Vũ

Bà Phan Thị Thuận chia sẻ: “Sen đã được công nhận là quốc hoa giúp các sản phẩm làm từ tơ sen phát triển và tiêu thụ tốt”. Ảnh: Nguyễn Vũ

Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tích hợp “đa giá trị”

Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Ba Vì, là huyện miền núi bán sơn địa nằm ở phía tây và cách Trung tâm thủ đô Hà Nội gần 60 km, với địa bàn rộng, địa hình đa dạng, phong phú, có núi, có sông, có đồng bằng châu thổ sông Hồng, có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng diện tích đất nông nghiệp lớn để phát triển các mô hình nông sản an toàn.

Những năm gần đây Ba Vì đã được cải tạo, nâng cấp rất thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; với nhiều khu du lịch nổi tiếng có môi trường xanh sạch, đẹp như: Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn Suối Ngà, Tản Đà Resort, Trang trại Đồng Quê... và cụm di tích có kiến trúc độc đáo đã được xếp hạng di tích quốc gia như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng... Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các sản phẩm OCOP từ chính nguồn nông sản và thế mạnh của vùng.

Ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết: Ba Vì là huyện có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong 9 tháng năm 2023, tổng giá trị sản xuất ước đạt 83,5% kế hoạch năm; tăng 19,9% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 18,3% so với cùng kỳ; nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch tăng 23,1% so cùng kỳ; công nghiệp, xây dựng tăng 17,7% so cùng kỳ.

Sau 5 năm thực hiện, chương trình OCOP toàn huyện có 138 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó có 66 sản phẩm đạt 3 sao, 72 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm được công nhận chủ yếu là sữa tươi, sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, thịt giò đà điểu, rau các loại, khoai lang, miến dong, các sản phẩm chế biến từ làng nghề thuốc nam...

Cùng với việc hỗ trợ phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn, Hội Nông dân huyện Ba Vì cũng hỗ trợ bà con trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ qua các kênh trực tiếp và trực tuyến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết: Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, năm 2023, UBND huyện kiểm tra các đơn vị, chủ thể sử dụng tem nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm để chấn chỉnh, duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP được công nhận. Đồng thời rà soát các sản phẩm OCOP đã hết hạn công nhận để tiếp tục tham gia đăng ký đánh giá, phân hạng.

Hướng dẫn, hỗ trợ các DN, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở tham gia chương trình OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng. Huyện Đan Phượng, 97 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng OCOP của huyện đã được cập nhật lên trangdulichdanphuong.com và tuyên truyền các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử Voso, Postmart

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Hà Nội còn hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại…

Sản phẩm OCOP gắn vai trò như một “đại sứ”

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm, mang tính văn hóa của vùng, miền. Bà Phan Thị Thuận chia sẻ: xã Phùng Xá là xã liền kề chùa Hương, một di tích văn hóa tâm linh của người Việt nên ngoài nghề dệt truyền thống, người dân còn nghiên cứu phát triển nghề tơ sen.

Sen đã được công nhận là quốc hoa, nên tơ sen phát triển trên mảnh đất này giúp cho khách thập phương biết đến lễ Hội chùa Hương lớn nhất Hà Nội và cả nước. Từ khi sản phẩm của làng nghề cùng với sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen do cơ sở nghiên cứu, sản xuất đã được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ tốt hơn. Nhiều sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu tới Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...

Tò he - loại hình trò chơi dân gian Việt Nam đậm chất thôn quê ghi vào ào tâm trí mỗi người Việt hình ảnh những người già tỉ mỉ ngồi vo, nặn những tảng chất dẻo màu sắc thành nhiều hình thù dễ thương, gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Chính vì vậy, con giống bột của làng nghề Xuân La rất đa dạng với các mẫu mã như 12 con giáp, Tứ phủ thánh cô, Tứ phủ thánh cậu, mâm ngũ quả, công, phượng,... Giờ không chỉ phát triển trong nước mà còn ra tận nước ngoài.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, người con của làng nghề chia sẻ: nghề to he bây giờ rất phát triển, các lớp học tò he không chỉ dành cho các bạn học để phát triển trong nước mà mang văn hóa đó ra nước ngoài. Các bạn đi xuất khẩu về học để mang sang đó làm vì người nước ngoài rất thích tự tay nặn những con giống, nhân vật dựa trên câu chuyện mà họ thích.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận. Với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động của các cấp, các ngành và các chủ thể, chắc chắn TP sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và tăng sức tiêu thụ trong, ngoài nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-xay-dung-chuyen-doi-so-phat-trien-san-pham-ocop-357140.html