Hà Nội xây dựng dự thảo áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Công trình xây dựng sai quy hoạch; công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất bị lấn, chiếm... thuộc các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định của Luật Thủ đô 2024.
Hướng dẫn cụ thể, chuẩn bị triển khai thi hành Luật
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh vừa chủ trì hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô 2024, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai thi hành Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh cho biết, Tổ soạn thảo mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ những người đang làm việc trực tiếp, xử lý các công việc liên quan và có thể gặp khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm...
Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô. Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân tổ chức có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định của Luật Thủ đô bao gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch; công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.
Công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đã được cơ quan, người có thẩm quyền kiến nghị, yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.
Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền đã được cơ quan, người có thẩm quyền kiến nghị, yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền mà đã đưa vào hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành. Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
Áp dụng trong trường hợp thật cần thiết
Về thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện và Thành phố sẽ áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với các công trình thuộc các trường hợp được quy định tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ.
Theo Luật Thủ đô, biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền, bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn. Việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước của người cung cấp dịch vụ điện, nước phải được thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo và Đội quản lý trật tư xây dựng đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ quản lý đô thị các quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa... đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh cho biết, tất cả các ý kiến góp ý được Tổ soạn thảo ghi nhận, tổng hợp phân tích, nghiên cứu để đưa ra các phương án tốt nhất phục vụ công tác soạn thảo Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn Thành phố.
Luật Thủ đô 2024 nêu rõ Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 33.