Hà Nội xây dựng vùng chè chất lượng cao

Tại Hà Nội, một số địa phương có lợi thế về cây chè đang đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ theo hướng an toàn; liên kết theo chuỗi giá trị để hình thành những vùng chè chất lượng cao. Cùng với đó, một số hợp tác xã, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị, đã mang lại thu nhập cao cho người dân.

Thu hoạch chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Hương Giang

Thu hoạch chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Hương Giang

Hiệu quả kinh tế cao

Xã Ba Trại (huyện Ba Vì) là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất của Hà Nội, với hơn 470ha. Bà Vũ Thị Tâm ở xã Ba Trại chia sẻ, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, nông dân trên địa bàn xã đã đưa giống chè mới vào trồng, cải tạo các vườn chè già cỗi. Do sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên việc trồng và chăm sóc chè đã giảm tới 90% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp môi trường ngày càng trong lành. Hiện xã đang hỗ trợ nông dân liên doanh, liên kết để phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng chè. Sản phẩm chè Ba Trại đã được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thị trường tiêu thụ thuận lợi, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự xã Ba Trại của Ba Vì là xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, hiện dành 250ha đất để trồng chè. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý cho hay, với kỹ thuật chăm sóc được cải tiến, hợp tác xã thu hoạch khoảng 5 tấn búp chè tươi/ha, tương đương khoảng 1 tấn chè khô. Sản phẩm chè của hợp tác xã được sơ chế, đóng gói, có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được công nhận sản phẩm OCOP, nên việc tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định, thu được khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 2.000ha đất trồng chè, trong đó có 356ha sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 10,2% diện tích. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết, cây chè của Hà Nội được trồng chủ yếu tại các vùng đồi, núi là nơi có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Nhiều vùng trồng chè của Thủ đô còn gắn với phát triển du lịch sinh thái, giúp tăng khả năng quảng bá cho sản phẩm. Những năm gần đây, các hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo chuỗi khép kín, nên một số sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, như: Vùng chè Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Long Phú (huyện Quốc Oai)… Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất chè theo hướng an toàn còn góp phần thay đổi tập quán canh tác, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tập trung vào chế biến sâu

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, sản xuất chè trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, bình quân khoảng 0,1-0,2ha/hộ. Các vùng sản xuất chè chưa thu hút được doanh nghiệp lớn vào đầu tư để thu mua sản phẩm cho nông dân vào vụ thu hoạch và đẩy mạnh xuất khẩu.

Để cây chè tiếp tục phát huy hiệu quả, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, trong thời gian tới, huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng giống chè mới, thay thế những vùng chè giống cũ; đồng thời nhân rộng diện tích thâm canh chè theo hướng an toàn, VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện còn khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với nông dân để thu mua sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Cách này hạn chế tối đa việc tiêu thụ sản phẩm chè thô, tăng cường sơ chế, chế biến sản phẩm chè tinh, bảo đảm về chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ bảo tồn các vùng trồng chè truyền thống, có thế mạnh. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch tái canh cây chè và xây dựng khoảng 1-2 vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Về lâu dài, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất chè cần đổi mới công nghệ chế biến, cải tiến mẫu mã bao bì, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng chất lượng và xây dựng, củng cố thương hiệu chè Hà Nội. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, chế biến chè cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất; chuẩn hóa quy trình sản xuất để khi sản phẩm đưa ra thị trường đáp ứng đủ điều kiện về chất lượng, tem, nhãn mác, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc. Để cây chè phát triển thực sự bền vững, các địa phương còn cần quy hoạch vùng trồng phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với việc tuyên truyền, các địa phương cần vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thành lập các tổ, nhóm sản xuất chè an toàn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển cây chè.

“Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương thường xuyên mở lớp tập huấn về kiến thức trồng chè, chế biến chè bền vững cho nông dân; đồng thời phối hợp với các sở, ngành tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu chè Việt sang những thị trường khó tính”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-xay-dung-vung-che-chat-luong-cao-676678.html