Hà Nội xem xét mở rộng chương trình đào tạo song bằng vào năm 2020
Sau 3 năm triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập, hiện Hà Nội có gần 1.000 học sinh tham gia chương trình này tại 8 trường THCS và THPT.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, việc Hà Nội triển khai chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TƯ “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thực hiện Luật Thủ đô và đáp ứng mong muốn của phụ huynh, học sinh về một mô hình giáo dục tiên tiến song hành với chương trình giáo dục của Nhà nước.
Sau 3 năm triển khai, toàn thành phố có 179 học sinh THPT và 775 học sinh THCS của 8 trường tham gia học chương trình song bằng.
Riêng kết quả kỳ thi của học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ AS-Level vào tháng 6-2019 cho thấy hầu hết học sinh đều đạt kết quả tốt.
Các học sinh tham gia học chương trình đào tạo song bằng ở các trường THCS cũng đã đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình đào tạo.
Trước kết quả đánh giá này, các trường tham gia thí điểm Đề án đều khẳng định việc thực hiện chương trình song bằng tại các trường phổ thông là cơ sở để các nhà trường phát huy năng lực, tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học.
Việc đưa song bằng vào trường học cũng giúp cho việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh hiện nay. Trước nhu cầu thực tế, nhiều trường mong muốn chương trình song bằng tú tài tiếp tục được nhân rộng ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố, tạo thêm cơ hội cho học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, việc triển khai chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố đã tạo ra môi trường học tập có chất lượng, tiệm cận với mô hình của các trường chuẩn quốc tế; giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, đồng thời tạo hành trang cho học sinh tự tin bước vào các trường đại học quốc tế trong tương lai.
Trên cơ sở kết quả 3 năm thí điểm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở GD-ĐT rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung chương trình; đánh giá các mặt được và còn thiếu để có giải pháp khắc phục; quan tâm đến chất lượng đội ngũ giáo viên, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung đủ về số lượng, nhằm nâng cao chất lượng triển khai chương trình trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rà soát các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện, báo cáo UBND thành phố để xem xét mở rộng việc thực hiện chương trình đào tạo song bằng vào năm học 2020-2021.