Hà Nội: Xử lý nhiều 'điểm nóng' về ô nhiễm môi trường
Trong quý I/2022 (15/12/2021–15/3/2022), Công an TP. Hà Nội đã phát hiện, xử lý 661 vụ việc, 667 cá nhân, 7 tổ chức vi phạm về xây dựng, môi trường đô thị; xử phạt thu nộp ngân sách trên 1,6 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Theo báo cáo này, trong quý I/2022 (Từ 15/12/2021 – 15/3/2022), Công an Thành phố đã phát hiện, xử lý 661 vụ việc, 667 cá nhân, 7 tổ chức vi phạm về xây dựng, môi trường đô thị; xử phạt thu nộp ngân sách trên 1,6 tỷ đồng. Sở TN&MT cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải xử phạt 73 trường hợp lôi kéo bùn đất gây mất an toàn giao thông, vệ sinh đường bộ, xử phạt thu nộp ngân sách 397 triệu đồng.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 2.711 công trình. Qua đó, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 36 trường hợp có vi phạm và đã xử lý dứt điểm 19/36 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục xử lý các trường hợp còn lại.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 168 quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 820 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức 19 cuộc kiểm tra; qua đó, phát hiện, lập hồ sơ và ban hành 9 quyết định xử phạt hành chính trong xây dựng với tổng số tiền 260 triệu đồng.
Đáng chú ý, theo kết quả thực hiện Chỉ thị số 15 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, báo cáo từ 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cho biết, tính đến hết năm 2021 còn 316 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được 54.176 bếp (giảm 99,42% so với năm 2017).
Theo kết quả thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, hiện tượng đốt rơm rạ tiếp tục xảy ra sau thu hoạch vụ Hè Thu năm 2021 ở một số quận/huyện, tỷ lệ phần trăm trung bình đốt rơm rạ vụ Hè Thu năm 2021 là 3,6%, cao hơn cùng thời điểm vụ Hè Thu năm 2020 – chỉ khoảng 2,2%.
Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có bài viết phản ánh tình trạng: Quốc lộ 1A cũ đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, Thanh Trì đi trung tâm Thành phố thường xuyên xuất hiện các phương tiện có trọng tải lớn không che chắn vật liệu làm rơi vãi, gây bụi, ô nhiễm môi trường. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tham gia giao thông trên tuyến đường này cũng như cuộc sống người dân sinh sống hai bên tuyến đường…
Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường khi bám theo hành trình những chiếc xe tải này, các xe này thường xuyên ra vào các bãi tập kết cát dưới chân cầu Thanh Trì để nhận hàng. Sau khi thùng xe được múc đầy cát, những chiếc xe này “lặc lè” cõng cát đến trạm trộn bê tông TRANSMECO thuộc Công ty TNHH MTV Bê tông Transmeco nằm trên cạnh đường tàu dọc Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.
Ngoài ra, theo người dân địa phương thì việc xả thải của Transmeco diễn ra gần chục năm nay, nhất là bụi và nước thải đã ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Transmeco chủ yếu sản xuất ban đêm, tiếng ồn từ các trạm trộn và ô tô ra vào khiến người dân thường xuyên mất ngủ. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương yêu cầu Transmeco có biện pháp xử lý nước thải, chất thải trước khi xả ra môi trường, nhưng đến nay tình trạng đó vẫn không có gì thay đổi.
Sau đó, Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an TP.Hà Nội, đã có Văn bản số 1016/CSGT-MT phản hồi thông tin phản ánh của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường.
Nội dung văn bản có nêu: “Sau khi nắm được thông tin trên, Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh theo phản ánh của báo chí, đồng thời yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát tập trung trên tuyến Quốc lộ 1A cũ thuộc địa phận các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, đặc biệt là đối với những trường hợp xe tải vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, chở hàng quá tải trọng, để hàng hóa, vật liệu rơi vãi… gây mất trật tự an toàn giao thông".
Cùng với đó, Phòng CSGT cũng quán triệt các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả phương án bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và chỉ huy điều khiển giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Kế hoạch bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn Thành phố tháng 4/2022; Kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô vận tải hàng hóa vi phạm trật tự, an toàn giao thông, vận tải đường bộ trên địa bàn Thành phố.