Hạ tầng sân bay Nội Bài thiếu đồng bộ, kết nối kém
Tại một sân bay quốc tế bao giờ cũng có hai khu vực, đó là khu vực quốc nội và khu vực quốc tế. Kết nối để di chuyển giữa hai khu vực này là nhu cầu thường xuyên, liên tục. Vì vậy, tại các sân bay quốc tế tiêu chuẩn, thiết kế hạ tầng bắt buộc phải đảm bảo vận trù học đối với nhu cầu này. Thế nhưng, ở một sân bay được bình chọn là tốt nhất thế giới thì dường như đang khiến hành khách gặp khó khi muốn nối chuyến.
Trang web BusinessFinancing vừa công bố Nội Bài là sân bay đứng đầu trong tổng số 20 sân bay tốt nhất thế giới, vượt qua nhiều đối thủ nặng kí khác. Trang Business Financing trích dẫn ý kiến từ một tài khoản đã được xác minh đánh giá sân bay Nội Bài "có hệ thống cơ sở vật chất đáng kinh ngạc và là nơi có nhiều dịch vụ tiện ích dành cho hành khách".
Tuy nhiên, nếu làm thử một phép so sánh về khu vực dành cho hành khách quá cảnh tại sân bay Incheon – cái tên nằm ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng và sân bay Nội Bài. Tại Incheon, hệ thống băng chuyền, thang cuốn được xây dựng khép kín ngay bên trong nhà ga. Còn đây, tại sân bay được cho là tốt nhất thế giới Nội Bài, công cuộc nối chuyến của hành khách chẳng khác nào “đi du lịch ngoài đường”.
Tôi không hiểu sao lại thiết kế khu vực transit ở ngoài nhà ga như thế này? Tôi vừa bay chuyến trước đó rất mệt, đồ đạc thì nặng và nhiều, xong giờ lại phải khuân vali đi tìm trạm xe bus ở ngoài đường, thời tiết nắng nóng thế này khiến tôi thật sự rất oải.
Chị Lisa, du khách Ấn Độ.
Một điều bất tiện khác là ở Nội Bài, sơ đồ chỉ dẫn đường đi cho khách nối chuyến, thay vì xuất hiện ở vị trí trung tâm ngay từ cửa ra T1, thì lại được đặt lấp ló tại trạm xe bus, và chỉ hiển thị có vài chục giây.
Anh Asahi, du khách Nhật Bản cho hay: “Không có sơ đồ chỉ dẫn nào từ cửa T1 nên tôi phải hỏi đường mất chục phút mới đi được đến trạm xe bus này. Đến đây mới nhìn thấy sơ đồ nhưng chưa kịp xem và hiểu thì đã hiện ra cái khác rồi”.
Để giúp hành khách nắm rõ hơn thông tin về các loại xe di chuyển tại sân bay, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã dùng một ứng dụng có tên iNIA trên điện thoại smartphone với những tiện ích về thông tin. Thế nhưng dường như số hành khách biết về ứng dụng này lại rất hiếm hoi.
Quãng đường di chuyển giữa nhà ga nội địa và nhà ga quốc tế chỉ dài khoảng 1km. Nhưng với nhiều hành khách nối chuyến, đồ đạc lỉnh kỉnh và nhất là khi thời tiết nắng nóng gay gắt của miền Bắc như hiện nay thì việc di chuyển quả thật là một trải nghiệm nhiều người không muốn có lần thứ hai.