Hạ tầng thương mại ở nông thôn, miền núi thiếu và yếu

Những năm gần đây, Thái Nguyên có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng thương mại. Nhờ vậy, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tăng nhanh về số lượng, nhưng còn thiếu đồng bộ và tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, khó kêu gọi đầu tư nên các chợ truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi phần nhiều chưa có đình chợ, tiểu thương phải họp ngoài trời…

Chợ Yên Trạch (Phú Lương) đầu tư xây dựng các đình chợ đảm bảo chỗ ngồi kinh doanh của tiểu thương.

Chợ Yên Trạch (Phú Lương) đầu tư xây dựng các đình chợ đảm bảo chỗ ngồi kinh doanh của tiểu thương.

Khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ

Với mục tiêu đưa thương mại trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 182/NQ-HĐND ngày 4/11/2021 thông qua Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình) với 11 chỉ tiêu.

Mục tiêu của Chương trình là phát triển nhanh và bền vững các loại hình thương mại, xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao thương và kinh tế của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội. Kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và hiện đại, gắn kết với sự phát triển đa dạng các loại hình thương mại truyền thống với thương mại điện tử.

Nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư, đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân.

Nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư, đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân.

Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 7 chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo chợ từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với số vốn đã thực hiện 5,55 tỷ đồng gồm: chợ Bảo Linh, Lam Vỹ, Quy Kỳ (Định Hóa); chợ Cúc Đường, Liên Minh (Võ Nhai); chợ Phú Thịnh, Phúc Lương (Đại Từ).

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Bên cạnh các chợ truyền thống, tỉnh khuyến khích các DN đầu tư phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại phát triển khá mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và hàng trăm cửa hàng tiện ích, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Các địa phương từng bước hình thành các tuyến phố mua sắm, ẩm thực… tập trung ở TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công và trung tâm các huyện có lợi thế về kinh doanh thương mại.

Bám sát mục tiêu Chương trình, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Từ năm 2023 đến nay, huyện Phú Lương đã thu hút được Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Hồng Phát đầu tư khoảng 30 tỷ đồng mở Siêu thị Cmart Phú Lương. Hiện nay, UBND huyện đang tích cực phối hợp với Công ty TNHH Thái Hưng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để cuối năm 2024 đưa Siêu thị Aloha Mall Phú Lương vào hoạt động.

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương nhấn mạnh: Trên địa bàn huyện hiện có 12 chợ, đã chuyển đổi 3 chợ theo mô hình hợp tác xã, DN quản lý. Định hướng tới đây huyện điều chỉnh quy hoạch, hướng tới một số chợ khu vực đô thị có nhiều giao dịch sẽ đấu giá quyền sử dụng đất để mời gọi nhà đầu tư đến theo hướng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị. Ngoài khuyến khích DN đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, giai đoạn 2021-2024, UBND huyện Phú Lương đã bố trí đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ Giang Tiên, Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Trạch và chuẩn bị cải tại chợ Tức Tranh.

Vẫn là bài toán thiếu nguồn lực

Mặc dù Phú Lương là một trong những địa phương quan tâm phát triển hệ thống chợ nông thôn, tuy nhiên nguồn lực dành cho lĩnh vực này vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Tổng kinh phí thực hiện Đề án phát triển thương mại - dịch vụ của huyện giai đoạn 2021-2025 là 300,6 tỷ đồng, tuy nhiên kinh phí đã thực hiện giai đoạn 2021-2024 mới đạt trên 5,4 tỷ đồng.

Cũng giống Phú Lương, hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn huyện Phú Bình cũng phát triển chưa tương xứng với nhu cầu phát triển KT-XH. Từ năm 2022 đến nay, Phú Bình đã huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp 8 chợ với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là trên 1,5 tỷ đồng, còn lại từ đóng góp của DN và xã hội hóa.

Hạ tầng chợ Cầu, xã Nhã Lộng (Phú Bình) xuống cấp, nền chợ ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi bẩn.

Hạ tầng chợ Cầu, xã Nhã Lộng (Phú Bình) xuống cấp, nền chợ ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi bẩn.

Chợ Cầu, xã Nhã Lộng mỗi tháng họp trung bình 12 phiên. Năm 2023, chợ đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh các tiểu thương. Trước thực trạng trên, UBND xã vận động từ nguồn kinh phí của xã hội hóa trên 400 triệu đồng sửa chữa mái chợ và một số hạng mục.

Tuy nhiên, hiện nay phần nền chợ rất lầy lội, mưa ngập, nắng bụi; rác thải từ các hộ bán hàng tại đây được tập hợp đốt thủ công ngay trong khuôn viên chợ; chợ không có nhà vệ sinh, khu vực trông giữ xe… Theo chị Nguyễn Thị Thụy, tiểu thương bán rau tại chợ: Bán hàng ở đây tôi nộp tiền vé chợ 400 nghìn đồng/tháng, chỗ ngồi 1 triệu/năm. Tuy nhiên, chợ quá lầy lội nên bản thân gia đình tôi phải tự thuê xe chở đá răm về đổ mới đảm bảo có đường đi vào chỗ ngồi bán hàng.

Ông Lê Đăng Toàn, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, cho biết: Chợ Cầu có từ lâu đời, song cơ sở vật chất xuống cấp, chợ chật hẹp, chưa có sự đầu tư của Nhà nước. Trước mắt để giải quyết tình trạng ngập úng ở chợ, địa phương giao 2 xóm khu vực chợ khơi thông cống rãnh và giao Ban quản lý chợ hợp đồng thu gom rác thải chở đi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình: Chợ nông thôn ở Phú Bình có quy mô nhỏ nên việc thu hút đầu tư của các DN, HTX chưa đạt kết quả như mong muốn. Đề nghị Sở Công Thương sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể hóa theo phân cấp theo Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển chợ là cơ sở để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Ngoài hạ tầng thương mại, đặc biệt các chợ ở khu vực nông thôn, miền núi chưa được đầu tư tương xứng, thì tại một số địa phương công trình chợ đã hoàn thành lại chưa được sử dụng, gây lãng phí. Điển hình như chợ xã Liên Minh (Võ Nhai) có tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng gồm 1 đình chợ, 4 ki ốt, 2 sân rộng, có đầy đủ công trình vệ sinh… đảm bảo tiêu chuẩn chợ cấp III, đã hoàn thành hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn để không.

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 140 chợ (4 chợ hạng 1; 10 chợ hạng 2 và 126 chợ hạng 3). Tổng diện tích đất chợ khoảng 611.336m2, trong đó diện tích chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố khoảng 189.843m2 (chiếm 31%), diện tích chợ tạm và ngoài trời chưa có nhà đình chợ 421.493m2 (chiếm tới 69%), có khoảng 11.865 hộ kinh doanh hoạt động thường xuyên.

Để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng thương mại, dịch vụ. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút đầu tư các chợ nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn. Tập trung chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý tại các chợ theo hướng giao cho các DN, HTX. Xây dựng quy chế hoạt động chung cho hệ thống các chợ; nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng; kiên quyết dẹp bỏ các điểm chợ cóc, không bảo đảm các điều kiện kinh doanh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/ha-tang-thuong-mai-o-nong-thon-mien-nuithieu-va-yeu-6251c6d/