Hạ tầng trạm sạc cho xe điện tại Việt Nam đang phát triển thế nào?

Cơ sở hạ tầng trạm sạc được xem là đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của xe điện tại bất kỳ thị trường nào.

Tại thị trường Việt Nam, xe điện được xem như đang sở hữu bước phát triển tương đối thần tốc.

Năm 2016, cộng đồng trong nước từng xôn xao với sự xuất hiện của BMW i3 trên đường phố. Ở thời điểm ấy, thị trường ôtô Việt Nam vẫn chủ đạo bởi các mẫu xe được trang bị động cơ chạy xăng và dầu. Do đó, việc một mẫu xe vận hành bằng motor điện lăn bánh trên đường phố Việt Nam cách đây gần 10 năm được xem là khá lạ lẫm và đã thu hút không ít sự chú ý từ cộng đồng.

Đến tháng 10/2021, VinFast chính thức trình làng mẫu xe điện đầu tiên mang tên VF e34 đến với khách hàng Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, VinFast xác nhận từ bỏ động cơ xăng và sẽ tập trung nguồn lực cho ôtô thuần điện, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới, không chỉ riêng với VinFast mà còn dành cho cả thị trường ôtô Việt Nam.

Nỗ lực phủ sóng trạm sạc

Từ đó đến nay, thị trường xe điện tại Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển khá nhanh chóng. Bên cạnh VinFast, một số hãng xe khác trên thị trường như Hyundai, Audi, BMW, Mercedes-Benz, Porsche và Volvo, bên cạnh Wuling, MG và sắp tới là BYD cũng đưa về Việt Nam các mẫu xe thuần điện để giới thiệu đến khách hàng trong nước.

Riêng với VinFast, hãng xe điện này đã phát triển một dải sản phẩm SUV điện khá hoàn chỉnh và đa dạng, trải dài trên nhiều phân khúc từ A đến E như VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9, bên cạnh mẫu mini SUV VF 3 cùng bản concept bán tải điện VF Wild.

Sự phát triển nhanh chóng của VinFast nói riêng và thị trường xe điện tại Việt Nam nói chung đã đặt ra không ít thách thức về hạ tầng trạm sạc, yếu tố quan trọng quyết định đến thành-bại của ôtô điện tại bất kỳ thị trường nào.

 VinFast sở hữu dải sản phẩm SUV điện đa dạng. Ảnh: Bối Hạ.

VinFast sở hữu dải sản phẩm SUV điện đa dạng. Ảnh: Bối Hạ.

Khi xâm nhập thị trường Việt Nam, xe điện được cho là gặp phải những khó khăn bởi phần đông khách hàng trong nước vẫn quen thuộc với quá trình nạp nhiên liệu chỉ kéo dài vài phút ở các trạm xăng. Do đó, việc phải trải qua hàng chục phút, có khi là vài giờ đồng hồ chờ sạc pin để đổi lấy 300 km di chuyển tối đa trên VF e34 những ngày đầu là một trở ngại không hề nhỏ đối với VinFast trong nỗ lực chinh phục khách Việt.

Ở thời điểm ra mắt VinFast VF e34, hãng xe điện Việt Nam từng công bố mục tiêu phát triển 40.000 cổng sạc tại các chung cư, trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại, tòa văn phòng, bãi đỗ xe… ở khắp 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đến hết năm 2021. Chi tiết hơn, VinFast từng xác nhận đã hoàn thành lắp đặt hơn 10.000 cổng sạc tại 62 trên 63 tỉnh, thành phố tính đến hết tháng 9/2021.

 Mạng lưới trạm sạc công cộng rộng lớn của VinFast tại Việt Nam. Ảnh: VinFast.

Mạng lưới trạm sạc công cộng rộng lớn của VinFast tại Việt Nam. Ảnh: VinFast.

Riêng trong tháng 8/2023, VinFast cho biết đã hoàn thành lắp đặt 101 cổng sạc và tính đến nay, mạng lưới trạm sạc công cộng rộng khắp với 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành trên cả nước đã được VinFast hoàn thiện để phục vụ khách hàng. Khoảng cách tối đa giữa các trạm sạc VinFast trên cao tốc, quốc lộ/tỉnh lộ là 65 km trong khi tại khu vực nội đô, khoảng cách này được duy trì ở mức 3,5 km.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới hạ tầng trạm sạc công cộng là một yếu tố quan trọng giúp xe điện dần trở nên “thân thiện” hơn với người dùng trong nước. Tuy nhiên với những hãng xe khác ngoài VinFast, sạc xe điện ở đâu vẫn còn là một vấn đề được không ít người dùng quan tâm.

Hãng xe sang cũng mở rộng trạm sạc

Mới đây, Porsche vừa công bố triển khai mạng lưới sạc nhanh DC tại Việt Nam cùng đối tác Charge+, nhà cung cấp giải pháp sạc xe điện tích hợp hàng đầu tại Singapore cũng như khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, Porsche cùng với Charge+ sẽ cung cấp 17 địa điểm sạc nhanh mới trên toàn quốc trong vòng ba năm tiếp theo. Đồng thời, 2 trạm sạc công suất cao đang có tại trung tâm Porsche Sài Gòn (quận 7, TP.HCM) và Porsche Studio ở quận Ba Đình (TP Hà Nội) cũng sẽ được tích hợp vào ứng dụng sạc Charge+, giúp mở rộng mạng lưới sạc nhanh dành cho khách hàng sử dụng xe điện tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

 Porsche bắt tay cùng đối tác Charge+ để mở rộng mạng lưới sạc nhanh DC tại Việt Nam. Ảnh: Porsche.

Porsche bắt tay cùng đối tác Charge+ để mở rộng mạng lưới sạc nhanh DC tại Việt Nam. Ảnh: Porsche.

Theo chia sẻ của Porsche, 9 điểm sạc đầu tiên trong giai đoạn một của mạng lưới trạm sạc Charge+ tại Việt Nam sẽ sở hữu công suất lên tới 180 kW, dự kiến đi vào hoạt động trước nửa đầu năm 2025. Các điểm sạc này đặt tại các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng, hoặc tại những điểm dừng nghỉ giữa hành trình như TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Trong khi đó, lãnh đạo Charge+ chia sẻ mục tiêu triển khai mạng lưới sạc xe điện trên 5.000 km trục đường cao tốc xuyên qua 6 quốc gia, kéo dài từ Singapore đến TP Hà Nội. Trong số này, các điểm sạc sẽ xuất hiện trên khoảng 1.700 km đường cao tốc trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần nâng cao trải nghiệm xe điện dành cho khách hàng trong nước.

Trước khi bắt tay với Charge+, Porsche đã sở hữu sẵn 2 điểm sạc nhanh công suất 350 kW, một ở trung tâm Porsche Sài Gòn và một ở trung tâm Porsche Studio (Hà Nội).

Về phần mình, Audi hiện sở hữu 3 trạm sạc nhanh DC tại TP.HCM, bao gồm trạm sạc trong trung tâm dịch vụ ở quận Tân Bình, một trạm khác thuộc khu vực showroom trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) bên cạnh một điểm sạc mới tại showroom Audi City Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM).

 Audi đặt các trạm sạc nhanh tại showroom và trung tâm dịch vụ của hãng. Ảnh: Audi.

Audi đặt các trạm sạc nhanh tại showroom và trung tâm dịch vụ của hãng. Ảnh: Audi.

Bên cạnh đó, Audi cũng liên kết với đơn vị thứ 3 chuyên về hạ tầng trạm sạc là EV One. Cách làm này vừa giúp Audi mở rộng được mạng lưới trạm sạc nhưng vẫn giảm bớt được chi phí đầu tư.

Các khách hàng sở hữu xe điện Mercedes bên cạnh tự sạc xe điện tại nhà còn có thể đưa xe đến các trạm sạc được hãng triển khai và lắp đặt tại 16 đại lý của Mercedes ở Việt Nam. Tuy nhiên, các trụ sạc tại đây chỉ cung cấp sạc AC với công suất 11 kW.

Đa dạng lựa chọn sạc xe điện tại Việt Nam

Bên cạnh các trạm sạc do hãng xe triển khai, hiện thị trường Việt Nam còn ghi nhận một số đơn vị tư nhân vận hành trạm sạc dùng chung, bao gồm Eboost, EV One, EverCharge, EVN, DatCharge, Rabbit EVC hay VuPhong Energy.

Những đơn vị cung cấp dịch vụ sạc này đã được MG nhắc tên khi đề cập đến khả năng sạc linh hoạt của MG4 EV, qua đó xác nhận MG không có kế hoạch đầu tư trạm sạc dùng riêng cho xe điện của hãng.

Mới đây nhất, BYD là hãng xe tiếp theo lên tiếng xác nhận không đầu tư trạm sạc dành riêng cho xe điện của hãng, bao gồm 3 cái tên đầu tiên tại thị trường Việt là BYD Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal.

Hãng xe Trung Quốc cũng bày tỏ sự tự tin với quyết định không đầu tư trạm sạc khi cho biết cả 3 mẫu xe đầu tiên chinh phục thị trường Việt đều sở hữu phạm vi hoạt động trên 400 km sau mỗi lần sạc đầy. Kết hợp cùng tính năng sạc nhanh cho phép nạp lại 30-80% dung lượng pin chỉ trong 30 phút, BYD tin rằng khách hàng Việt Nam sẽ không gặp phải quá nhiều trở ngại trong quá trình sử dụng các mẫu xe điện của hãng.

 BYD xác nhận không có kế hoạch đầu tư trạm sạc tại Việt Nam.

BYD xác nhận không có kế hoạch đầu tư trạm sạc tại Việt Nam.

Được biết, chủ sở hữu của 3 mẫu xe điện BYD có thể tự sạc xe tại nhà, sạc xe tại các đại lý của BYD hay nạp năng lượng tại các trụ sạc do bên thứ ba cung cấp. Khi mà ở thời điểm hiện tại, VinFast vẫn chưa có ý định chia sẻ mạng lưới trạm sạc với các mẫu xe đối thủ, cả BYD Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal sẽ chưa thể sử dụng các trụ sạc của VinFast dù sở hữu chuẩn sạc CCS2.

Dù vậy, chủ sở hữu các mẫu xe điện của BYD hay MG4 EV và sắp tới là Omoda E5 vẫn sẽ có thể chọn sạc xe tại các điểm sạc công cộng do bên thứ ba cung cấp, điển hình là EV One với 20 trạm sạc trang bị chuẩn sạc CCS2 đã hoàn thành trên toàn quốc, bao gồm 5 trạm đặt tại TP.HCM. Mục tiêu của đơn vị là phát triển trên 100 trạm sạc toàn quốc vào năm 2025.

Vài năm tới, nhiều khả năng các trạm sạc đang phục vụ riêng cho VinFast cũng sẽ được mở rộng phục vụ cho các hãng xe khác, nếu thị trường phát triển một cách tích cực. Còn ở thời điểm hiện tại, có lẽ xe điện VinFast vẫn đang chiếm ưu thế lớn đối với những khách hàng không có điều kiện sạc tại nhà.

Nhìn chung, những nỗ lực của VinFast cùng các hãng xe và nhiều nhà cung cấp trạm sạc đang giúp mạng lưới sạc xe điện tại Việt Nam ngày một hoàn thiện. Sự phát triển của hạ tầng trạm sạc luôn được xem là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng sử dụng xe điện, qua đó định đoạt thành-bại của xe điện tại bất kỳ thị trường ôtô nào trên thế giới.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ha-tang-tram-sac-cho-xe-dien-tai-viet-nam-dang-phat-trien-the-nao-post1481779.html