Hà Tĩnh tạm dừng bồi dưỡng thăng hạng giáo viên để chờ hướng dẫn mới
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt việc chọn, cử giáo viên tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của tỉnh.
Tạm dừng việc bồi dưỡng thăng hạng
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư: 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT, có những quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương cho giáo viên, ở một số tỉnh, thành đã xảy ra hiện tượng giáo viên vội vàng “đổ xô” đi học các chứng chỉ thăng hạng, giữ hạng. Nắm bắt nhu cầu này, tại Hà Tĩnh, nhiều đơn vị cũng đã mời chào việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Để kịp thời định hướng cho giáo viên về việc bồi dưỡng thăng hạng khi chưa có hướng dẫn cụ thể của bộ và tỉnh, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo tạm dừng việc bồi dưỡng thăng hạng giáo viên trên địa bàn.
Giáo viên tiểu học sẽ có sự thay đổi đáng kể về mức lương khi thực hiện thông tư mới của Bộ GD&ĐT (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Tân Lâm Hương 2 huyện Thạch Hà).
Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Đặng Thị Quỳnh Diệp cho biết: “Để tránh tình trạng học sai hạng chức danh nghề nghiệp, sai đối tượng, sai đơn vị bồi dưỡng cho các giáo viên, Sở đã ban hành công văn số 299 chỉ đạo các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ việc chọn, cử giáo viên tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đồng thời khuyến cáo các giáo viên không tham gia các lớp bồi dưỡng khi chưa có hướng dẫn của Sở. Các đơn vị không phối hợp với các cơ sở đào tạo để triển khai bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi chưa có ý kiến của Sở”.
Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của sở đến 62/62 trường học từ bậc mầm non đến THCS. Đến thời điểm hiện tại, các trường đã và đang rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Các lớp bồi dưỡng sẽ được tiến hành ngay khi có hướng dẫn của ngành".
Việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được áp dụng đối với tất cả cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục với mục đích là để thăng hạng, hoặc giữ hạng. Kèm theo đó là việc tăng lương cho giáo viên phù hợp với chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các thông tư mới. Tuy nhiên, ngoài chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, việc thăng hạng, giữ hạng của giáo viên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số năm công tác, các danh hiệu thi đua, văn bằng, chứng chỉ, trình độ đào tạo... Chính vì thế, quyết định tạm dừng việc bồi dưỡng thăng hạng cho giáo viên để chờ hướng dẫn là điều cần thiết để ổn định tâm lý cho các thầy, cô giáo trong thời điểm hiện nay.
Giáo viên yên tâm chờ hướng dẫn mới
Theo quy định tại 4 thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thông tư 01, 02, 03, 04), giáo viên các cấp sẽ được bổ nhiệm hạng mới thay thế cho các hạng hiện đang được quy định trước đó.
Tại Trường THCS Đại Thành (Cẩm Xuyên) hiện có 37/50 giáo viên đăng ký học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (ảnh chụp tại Trường THCS Đại Thành).
Thầy Hà Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Thông tư mới của Bộ GD&ĐT có lợi cho tất cả giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là điều cần thiết bởi vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa được nâng lương. Vì thế, chúng tôi rất vui và yên tâm chờ hướng dẫn của tỉnh đối với việc học thăng hạng, giữ hạng...”.
Theo quy định tại các thông tư mới của Bộ GD&ĐT, việc chuyển lương cho giáo viên sang hạng mới sẽ căn cứ vào hệ số lương cũ để chuyển sang hệ số mới tương đương gần nhất. Vì thế, mỗi giáo viên có đủ điều kiện thăng hạng đều được tăng lương ít nhất từ 0,01% trở lên.
Chẳng hạn như: giáo viên THCS hiện đang hưởng hệ số lương 4,98 (bậc 9 của hạng 2 cũ) khi chuyển sang hạng 2 mới sẽ được hưởng mức lương có hệ số tương đương đó là 5,02 (bậc 4 của hạng 2 mới), so với mức lương cũ, mức lương mới tăng 0,04 hệ số.
Giáo viên tiểu học đang hưởng hệ số lương 4,56 (bậc 8 hạng 2) khi chuyển sang hạng 2 mới sẽ có hệ số lương 4,68 (bậc 3 hạng 2 mới), so với mức lương cũ tăng 0,12 hệ số.
Theo thông tư mới, những giáo viên mới vào nghề như cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Long (Thạch Hà) sẽ có mức lương tăng đáng kể.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Long (Thạch Hà) cho biết: “Sức hút” của việc tăng lương khiến nhiều giáo viên như tôi rất nóng lòng muốn đi học bồi dưỡng thăng hạng cho phù hợp, dù chưa rõ các quy định cụ thể. Rất may, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tạm dừng các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ, của tỉnh. Việc này đã trấn an kịp thời cho chúng tôi, để chúng tôi yên tâm chờ đợi”.
Theo quy định, các thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã có hiệu lực từ ngày 20/3 và việc áp dụng thực hiện thông tư chậm nhất sẽ đến cuối tháng 12/2021. Hiện nay, ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục chờ hướng dẫn cụ thể để từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc mở các lớp bồi dưỡng thăng hạng, giữ hạng cho giáo viên.
Thống kê sơ bộ của Phòng Tổ chức Cán bộ (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), toàn tỉnh có hơn 16.000 giáo viên từ mầm non đến bậc THPT, nhưng số lượng giáo viên hạng 1 và 2 hiện rất ít. Đến thời điểm hiện tại, bậc THPT chỉ có 400 trên tổng số 2.800 giáo viên có chứng chỉ hạng 2; bậc THCS có tổng số 4.500 giáo viên, trong đó có 120 giáo viên hạng 1, số còn lại hầu hết là hạng 2, hạng 3. Bậc tiểu học và mầm non có khoảng 9.000 giáo viên chủ yếu là hạng 3 và hạng 4.