Hà Tĩnh: ứng phó với nguy cơ hạn hán trên cây trồng

Tỉnh Hà Tĩnh đang hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, có nơi đặt biệt gay gắt, nền nhiệt phổ biến gần 40 độ C. Trước tình hình đó, các địa phương đang chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán trên cây trồng.

Nhiều diện tích lúa hè thu ở huyện Hương Khê bị nứt nẻ, sinh trưởng, phát triển kém do hạn hán

Nhiều diện tích lúa hè thu ở huyện Hương Khê bị nứt nẻ, sinh trưởng, phát triển kém do hạn hán

Nắng nóng gay gắt, kéo dài gây ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng ở tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, tại nhiều vùng trồng cây ăn quả, chè công nghiệp, gieo cấy lúa hè thu…đang phải đối diện với nguy cơ hạn hán có thể xảy ra trên diện rộng.

Người dân huyện miền núi Hương Khê tập trung bao bọc quả bưởi Phúc Trạch phòng tránh nắng và côn trùng gây hại

Người dân huyện miền núi Hương Khê tập trung bao bọc quả bưởi Phúc Trạch phòng tránh nắng và côn trùng gây hại

“Gia đình tôi hiện có gần 400 cây bưởi Phúc Trạch đang thời kỳ phát triển quả. Đợt cao điểm nắng nóng này, cùng với lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, chúng tôi tập trung bao bọc toàn bộ quả bưởi để phòng tránh nắng và côn trùng gây hại”, chị Trần Thị Lài ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê chia sẻ.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 44.500 ha lúa hè thu; khoảng 17.500 ha cam, bưởi Phúc Trạch và trên 1.200 ha chè công nghiệp. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, tuy nhiên đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến cho nhiều đồng ruộng sản xuất lúa bị nứt nẻ, cây ăn quả, chè công nghiệp phát triển kém.

Bao bọc quả bưởi, cam được cho là giải pháp hiệu quả trong phòng tránh nắng, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại

Bao bọc quả bưởi, cam được cho là giải pháp hiệu quả trong phòng tránh nắng, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống hạn cho người dân. Tuy nhiên, việc chống hạn cũng gặp phải những khó khăn nhất định, bởi nhiều ngày không có mưa, một số công trình hồ đập bị xuống cấp, không tích đủ nước phục vụ sản xuất.

“Toàn xã hiện có trên 200 ha cây ăn quả và 30 ha lúa hè thu. Diện tích cây ăn quả nằm trên đồi núi, người dân đang tích cực bao bọc quả, sử dụng giếng khoan, lắp đặt đường ống tưới nước chống hạn. Tuy nhiên, đối với cây lúa vùng cao cưỡng bị hạn thì rất khó khắc phục, chủ yếu chỉ trông chờ trời mưa”, ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang thông tin.

Một số công trình hồ đập ở huyện miền núi Hương Sơn bị cạn nước, không đáp ứng việc tưới cho cây trồng

Một số công trình hồ đập ở huyện miền núi Hương Sơn bị cạn nước, không đáp ứng việc tưới cho cây trồng

Công trình kênh mương vùng cao cưỡng không thể dẫn nước về tưới cho đồng ruộng

Công trình kênh mương vùng cao cưỡng không thể dẫn nước về tưới cho đồng ruộng

Nhiều diện tích lúa ở các huyện Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh...đứng trước nguy cơ bị hạn hán

Nhiều diện tích lúa ở các huyện Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh...đứng trước nguy cơ bị hạn hán

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, đợt nắng nóng gay gắt có thể còn kéo dài, mực nước ở các hồ đập, kênh mương tiếp tục sụt giảm. Đặc biệt, tại khu vực đồi núi nắng nóng gây tác động rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, ảnh hưởng năng suất, sản lượng, nếu không có giải pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.

Tại nhiều vùng trồng chè công nghiệp ở tỉnh Hà Tĩnh, người dân đang tập trung sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước phòng, chống hạn

Tại nhiều vùng trồng chè công nghiệp ở tỉnh Hà Tĩnh, người dân đang tập trung sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước phòng, chống hạn

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho biết, chủ động phòng chống hạn, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng có vai trò rất quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.

“Đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng cây ăn quả nhanh chóng che chắn, tấp tủ và tưới nước phù hợp, phòng ngừa cây bị héo, bị chết. Đối với cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh cần tỉa dặm, bón phân cân đối, hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và đặc biệt là khai thác tối đa các nguồn nước hiện có để chống hạn”, ông Nguyễn Trí Hà thông tin.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-ung-pho-voi-nguy-co-han-han-tren-cay-trong.html