Mất mùa sen

Thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay, cộng với sâu bệnh diễn biến phức tạp khiến vụ sen năm nay mất mùa nặng.

Người dân phòng trừ sâu bệnh trên sen

Người dân phòng trừ sâu bệnh trên sen

Ông Nguyễn Văn Tám ở xã Điền Hòa (Phong Điền) thuê ao hồ trồng sen từ mấy năm nay. Trước khi thuê hồ để trồng, ông Tám tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng sen cho năng suất và hiệu quả, đặc biệt phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại. Từ những năm đầu, hầu như năm nào sen cũng đạt năng suất, lãi khá cao. Hiệu quả trồng sen có thể gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Riêng vụ sen năm nay gần như mất trắng.

Theo ông Tám, diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường từ đầu năm đến nay khiến cây sen sinh trưởng kém, kèm theo một số loại bệnh thán thư, nấm… nguy hiểm làm cho sen ít ra hoa, không kết trái, một số cây bị lép hạt. Đây là các loại bệnh đến nay người dân cũng như cơ quan chức năng chưa có biện pháp đặc trị, phòng trừ hiệu quả. Một ao sen gần 1ha của ông Tám vụ này chỉ cho sản lượng chừng 5-10kg, giảm rất nhiều so với vụ trước.

Không chỉ Điền Hòa mà vụ sen năm nay tại địa phương lân cận như Điền Lộc cũng bị mất mùa nặng. Ông Hồ Điệu ở xã Điền Lộc, một trong những hộ trồng sen có diện tích lớn nhất huyện Phong Điền với gần 10ha, bày tỏ sự lo ngại trước các loại bệnh nguy hiểm đến nay chưa thể phòng trừ triệt để, hiệu quả. Sâu bệnh kèm theo nạn chuột đồng gây hại cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng hạt sen vụ mùa năm nay. Ông Điệu bày tỏ nguyện vọng: “Ngành nông nghiệp cùng các ban ngành chức năng cần sớm có biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại nguy hiểm và các biện pháp nâng cao hiệu quả trồng sen”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính thông tin, đến nay diện tích cây sen toàn tỉnh khoảng 655ha, trong đó nhiều diện tích đang giai đoạn ra hoa và một số diện tích đang được người dân thu hoạch trà đầu. Nhìn chung cây sen năm nay sinh trưởng, phát triển không tốt so với năm trước. Một số loại bệnh nguy hiểm như nấm, thán thư… làm cho sen mất năng suất, nhiều hộ trồng gần như mất trắng.

Về nguyên nhân cây sen đạt năng suất thấp, ông Đính cho biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài, diễn biến phức tạp, trong khi đó nhiều hộ trồng vẫn tận dụng diện tích sen tái sinh từ các vụ trước. Các hộ trồng không chủ động được nguồn giống tại chỗ nên phải mua giống từ nơi khác, nguồn gốc không rõ ràng, dễ bị nhiễm sâu bệnh; chưa chú trọng công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng, chăm sóc, bón phân chưa cân đối. Đây là các nguyên nhân khiến cây sen kém phát triển, bị bệnh đốm lá, bệnh thối củ, thối rễ do nấm, bệnh thán thư… phát sinh gây hại. Vì vậy, phần lớn diện tích sen đã trồng lâu năm bị mất mùa, gương và hạt nhỏ, năng suất và sản lượng thấp.

Do đặc trưng giống sen Huế có mùi vị hương thơm ngon và chất lượng nên được thị trường ưa chuộng. Mặc dù năm nay năng suất giảm, nhưng giá sen hiện nay khá cao, bình quân 180 ngàn đồng/kg đối với hạt sen đã bóc vỏ, 45-50 ngàn đồng/kg đối với hạt sen tươi chưa bóc vỏ. Mức giá này tăng hơn 20-30% so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do mất mùa nặng nên phần lớn các hộ trồng sen với diện tích lớn vụ này thua lỗ nặng, một số ít hòa vốn và lãi thấp.

Để chủ động trong công tác quản lý sản xuất và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây sen, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực đã tổ chức khuyến cáo, hướng dẫn bà con trồng sen các biện pháp chăm sóc theo quy định, quy trình kỹ thuật khoa học của ngành nông nghiệp. Theo đó, khuyến cáo người dân tăng cường chăm sóc, bón bổ sung phân chuồng, bón phân cân đối, đầy đủ, điều chỉnh mực nước hợp lý để cây sinh trưởng và phát triển. Trước khi trồng và trong quá trình chăm sóc phải vệ sinh đồng ruộng và xử lý phơi ải, nhặt bỏ, tiêu hủy các lá già, các bộ phận cây bị sâu bệnh gây hại nặng.

Bài, ảnh: Thế Hoàng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/mat-mua-sen-142353.html