Hai cha con 'xương thủy tinh'... viết giấc mơ từ kỳ thi tốt nghiệp
Nguyễn Hữu Chính nhỏ thó ngồi lặng im bên chiếc bàn đặt ở cuối phòng số 1338 tại điểm trường Trung học cơ sở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Kiểm tra lại giấy bút lần cuối, cậu học trò xương thủy tinh chuẩn bị bước vào môn thi thứ 3 của mình.
Phía bên ngoài điểm thi, ông Chung “thủy tinh” cũng bồn chồn lo lắng cho con trai. Hành trình vẽ giấc mơ đại học của cặp cha con xương thủy tinh đã được bắt đầu…
HÀNH TRÌNH TỚI TRƯỜNG CỦA CHA CON "THỦY TINH"
Ông Nguyễn Hữu Chung năm nay 59 tuổi thì đã có quá nửa đời người gắn bó với chiếc xe lăn. Chào đời được 3 ngày, ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh lạ. Vào thời điểm đó, do y học chưa phát triển nên không ai gọi được chính xác tên chứng bệnh ông Chung gặp phải. Họ chỉ biết xương của ông rất yếu, việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Càng lớn, tình trạng của người đàn ông trú tại Thụy Phương (Bắc Từ Liêm) càng trở nên tồi tệ hơn. Chỉ cần vận động mạnh hoặc va chạm bất ngờ, xương tay và chân của ông đều có thể gãy. Vết thương cũ chưa kịp lành, vết gãy mới đã lại xuất hiện. Mãi vài năm sau, Việt Nam mới gọi được tên căn bệnh của ông là “xương thủy tinh”. Ông cũng chính là một trong những người Việt Nam đầu tiên được phát hiện mắc căn bệnh quái ác này.
“Cuộc đời tôi từ nhỏ đã gắn liền với mặt đất. Đôi chân cứ mỗi ngày teo tóp đi khiến tôi không thể đứng lên bình thường được. Ngay cả bây giờ, cánh tay bên trái của tôi cũng gần như đã rời khỏi cơ thể”, ông Chung giơ cánh tay ngắn cũn lên chia sẻ.
Người đàn ông bé nhỏ trên chiếc xe lăn không thể nhớ được mình đã gãy chân, tay bao nhiêu lần. Đến khi lập gia đình, giấc mơ duy nhất của ông là chỉ mong thế hệ tiếp theo được lành lặn bình thường.
“Năm gần 40 tuổi duyên định mệnh khiến tôi gặp bà xã rồi cả hai đồng cảm nên duyên vợ chồng. Một năm sau chúng tôi chào đón con trai Nguyễn Hữu Chính ra đời. Tuy nhiên, được 1 tuần vợ chồng tôi nhận cú sốc lớn khi cháu cũng mắc chứng bệnh như tôi”, ông Trung chia sẻ.
Nhìn con trai mỗi ngày lớn lên trong đau đớn, vợ chồng ông không giấu nổi sự đau lòng. Lẩm nhẩm đếm, ông thở dài: Tính đến nay, sau 20 năm, Chính đã hơn 50 lần gãy xương các loại. Giống như cha, cậu bé làng Thụy Phương bước đi bằng… khủy tay đầy đau đớn. Trước đây ông Chung làm nghề sửa chữa điện tử nhưng mấy lần con trai nghịch ngợm bị điện giật suýt mất mạng nên ông nghỉ việc ở nhà phụ vợ cơm nước. Vợ ông thì ngày ngày còm cõi buôn rau ở chợ trang trải cuộc sống gia đình.
“Do bệnh nặng nên việc đi lại ở nhà của tôi dựa vào đôi tay và chiếc ghế. Chính thì bò bằng hai tay từ khi 5 tuổi. Trước đây, tôi chở con trai đi học bằng chiếc xe ba bánh cũ. Cách đây hơn 1 năm, hai vợ chồng gom góp và vay mượn mua chiếc xe ba bánh này giá 18 triệu đồng để con đến trường thuận tiện”, ông Chung kể.
Cũng do chứng xương thủy tinh, mãi tới năm 8 tuổi, Hữu Chính mới chính thức được vào lớp 1. Gần như ngay lập tức, những bài học đầu tiên khiến cậu bé mê say. Dù nhiều lần bị chấn thương nặng, nhưng suốt 12 năm sau đó, cậu vẫn cùng cha bước trên đôi chân thủy tinh, dìu nhau trên chiếc xe ba bánh tới trường...
VIẾT TIẾP GIẤC MƠ TỪ KỲ THI TỐT NGHIỆP
Sớm hôm nay, như thông lệ, cha con ông Chung lại trở dậy từ 5 giờ. Sau khi ăn sáng và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, Chính lạch cạch đẩy chiếc xe ba bánh có giá trị “bằng cả gia tài” ra trước cửa. Từ trong nhà, ông Chung khó khăn bước theo. Sau khi vẫy chào vợ, hai cha con xương thủy tinh lên đường. Hôm nay, Chính tiếp tục tham gia nốt ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp.
Chiếc xe vừa dừng lại ở cổng điểm thi cũng là lúc Chính được nhóm sinh viên tình nguyện hỗ trợ cõng vào phòng thi. Từ chiếc xe “gia tài”, ông Chung chỉ kịp với theo: “Cố gắng con nhé!”.
Khi bóng con khuất dần, ông mới yên tâm ngả người xuống chiếc xe để chờ đợi. Ông Chung bảo, ông muốn ở bên cạnh con trong hành trình con "vượt vũ môn" lần này, như cách ông vẫn đồng hành suốt 20 năm đèn sách của Chính.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông cho biết: Điều may mắn nhất có lẽ là Chính có một nghị lực hơn người. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng suốt 12 năm qua, cậu học trò nhỏ vẫn chăm chỉ tới lớp.
Đặc biệt, năm lớp 2, một thế giới mới đã mở ra với Chính khi cậu được cô giáo tặng một bộ máy tính cũ. Cậu bé trường làng bắt đầu mơ đến ngày được học chuyên sâu về công nghệ thông tin. Chính giấc mơ ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho Chính trên con đường phía trước.
“Năm nay, cháu đã nộp nguyện vọng vào khoa Công nghệ thông tin của Trường đại học Mỏ-Địa chất. Tôi thì chỉ mong con luôn cố gắng để sau này có cuộc sống tốt đẹp, lo cho chính bản thân mình”, ông Chung nói.
Kết thúc môn thi buổi sáng, cặp cha con "thủy tinh" lại cùng nhau trở về trên chiếc xe ba bánh quen thuộc. Ở nhà, người mẹ đã chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn nhất với thịt gà luộc, cà pháo... cho cậu con trai. Chỉ sau khoảng 15 phút, Chính đã ăn xong xuôi rồi nhanh chóng trèo lên căn gác lửng miệt mài ôn lại bài cho môn thi cuối cùng vào chiều nay.
Tâm sự với chúng tôi, Chính cho biết, ngoài giờ đi học, em thường tìm hiểu thêm các kiến thức về địa lý, khoa học, công nghệ trên mạng Internet. Bên cạnh đó, những khi rảnh rỗi, Chính cũng sẽ cùng cha đi chở rau ra chợ phụ mẹ bán hàng.
Khoe với chúng tôi tập tranh do chính tay mình vẽ, Chính nói thêm: Sau này, em muốn đi thật nhiều nơi, gặp gỡ và vẽ lại gương mặt của thật nhiều người nhất có thể.
"Ba môn thi vừa qua em làm khá tốt. Hy vọng chiều nay em sẽ qua được thêm môn tiếng Anh. Em mong ước mình sẽ hoàn thành tốt kỳ thi lần này để có thể vào được đại học", Chính hiền lành tâm sự.
Nhìn nụ cười trên gương mặt em, chúng tôi chợt nghĩ, có lẽ, con đường xây giấc mơ của Chính và cả gia đình em đã, đang và sẽ được bắt đầu chính từ kỳ thi ngày hôm nay...