Hai điểm sáng trong mối quan hệ Malaysia - Việt Nam

Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và du lịch là những điểm sáng trong mối quan hệ chiến lược Malaysia - Việt Nam, trong khi ngoại giao nhân dân và trao đổi văn hóa đang ngày càng được hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội, trường Đại học Malaya (Malaysia).

Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội, trường Đại học Malaya (Malaysia).

Đây là đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội thuộc Đại học Malaya (Malaysia) trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur.

Theo Giáo sư Awang, Việt Nam là một trong số các nước thành viên của ASEAN mà Malaysia có mối quan hệ lâu dài và đã phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2015. Trụ cột chính của mối quan hệ Malaysia - Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim là quan hệ đối tác kinh tế. Thương mại song phương giữa hai quốc gia đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với khối lượng thương mại đạt gần 10 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng đột biến trong trao đổi thương mại là minh chứng cho cam kết của cả hai quốc gia trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và mở rộng danh mục đầu tư thương mại giữa hai nước.

Một trong những lĩnh vực mà Malaysia và Việt Nam đặc biệt mong muốn hợp tác là công nghệ cao và đổi mới kỹ thuật số. Khi Malaysia bắt đầu hành trình trở thành trung tâm kinh tế kỹ thuật số, thành phố Putrajaya của nước này coi Việt Nam là đối tác có giá trị trong việc chia sẻ công nghệ và chuyên môn. Những tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong công nghệ và số hóa khiến nước này trở thành đối tác lý tưởng của Malaysia trong lĩnh vực trên, nơi cả hai quốc gia có thể cùng hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ và liên doanh.

Tiến sĩ Awang đánh giá đầu tư giữa hai nước cũng sẽ tăng trưởng. Chuyên môn của Malaysia về phát triển cơ sở hạ tầng, chứng nhận ngành công nghiệp Halal và năng lượng tái tạo mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các đối tác Malaysia. Một bước phát triển đáng kể về vấn đề này là mối quan tâm của Việt Nam trong việc mở rộng ngành công nghiệp Halal của mình với việc Malaysia cung cấp chuyên môn của mình về Halal. Điều này có thể mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường halal toàn cầu, ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.

Du lịch là một lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng khác. Malaysia đã nổi lên là nguồn khách du lịch ASEAN lớn thứ 2 đến Việt Nam với hơn 360.000 người Malaysia đến thăm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024. Dòng khách du lịch Malaysia này làm nổi bật sự giao lưu nhân dân ngày càng tăng giữa 2 nước, góp phần vào việc tăng cường quan hệ văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau. Đối với Malaysia, ngành du lịch đại diện cho một con đường quan trọng cho cả tăng trưởng kinh tế và ngoại giao công chúng, củng cố mối quan hệ song phương vượt ra ngoài các tương tác của chính phủ.

Đề cập đến mối quan hệ giữa người dân hai nước và giao lưu văn hóa, Giáo sư Awang cho rằng ngoài hợp tác kinh tế và chiến lược, giao lưu nhân dân là một thành phần thiết yếu của mối quan hệ Malaysia - Việt Nam. Lượng khách du lịch ngày càng tăng giữa hai nước là dấu hiệu rõ ràng về sự giao lưu văn hóa ngày càng sâu sắc. Mối quan hệ này củng cố thêm thông qua các hoạt động hợp tác giáo dục và trao đổi sinh viên, với nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Malaysia và ngược lại.

Chính phủ của Thủ tướng Ibrahim đã nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy các mối liên hệ văn hóa và xã hội này để tạo nền tảng cho quan hệ song phương lâu dài. Theo nghĩa này, ngoại giao nhân dân không chỉ giúp nâng cao hình ảnh của Malaysia ở nước ngoài mà còn để xây dựng thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người Malaysia và người Việt Nam.

Dự báo về triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai khi năm 2025 Malaysia sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Giáo sư Awang cho rằng đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Thủ tướng Ibrahim để tăng cường hơn nữa quan hệ Malaysia - Việt Nam trong bối cảnh khu vực rộng lớn hơn. Khi Malaysia đảm nhiệm vai trò lãnh đạo này, hai nước sẽ tập trung vào các vấn đề chính như đổi mới kỹ thuật số, tính bao trùm và tính bền vững, vốn là những lĩnh vực mà sự hợp tác của Việt Nam sẽ trở nên rất quan trọng.

Tầm nhìn của Thủ tườn Ibrahim đối với ASEAN nhấn mạnh đến sự thống nhất, thịnh vượng chung và khả năng phục hồi của khu vực. Quan hệ đối tác của Malaysia với Việt Nam, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức chung như an ninh lương thực và an ninh năng lượng, sẽ rất quan trọng để đạt được các mục tiêu này. Cả hai quốc gia đều sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc định hình tương lai của ASEAN, đảm bảo rằng khu vực vẫn là thành trì của hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá một cách tổng thể về mối quan hệ Malaysia - Việt Nam, Giáo sư Awang cho biết dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ibrahim, quan hệ Malaysia - Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới với điểm sáng đặc trưng là quan hệ kinh tế mạnh mẽ, hợp tác chiến lược và cam kết chung trong việc giải quyết các thách thức của khu vực. Quan hệ đối tác giữa hai thành viên ASEAN này phản ánh tầm nhìn rộng hơn về sự thống nhất và khả năng phục hồi của khu vực, trong đó sự hợp tác, đổi mới và hỗ trợ lẫn nhau là chìa khóa để đạt được các mục tiêu chung. Trong năm 2025 khi Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, mối quan hệ Malaysia - Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với mục tiêu thúc đẩy một tương lai thịnh vượng và bền vững cho toàn khu vực.

Tin, ảnh: Hằng Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hai-diem-sang-trong-moi-quan-he-malaysia-viet-nam-20241121090436379.htm