Hải Dương: Ba nét mới tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2024 được tổ chức với quy mô lớn, đúng với nghi thức truyền thống, đặc biệt còn có Lễ công bố 'Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn' là Bảo vật Quốc gia.

Các đại biểu dâng hương tại chùa Côn Sơn trong ngày Khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Các đại biểu dâng hương tại chùa Côn Sơn trong ngày Khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 23/2 đến ngày 3/3 (tức từ ngày 14-23 tháng Giêng Âm lịch), với 3 nét mới so với các mùa lễ hội trước.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2024, cho biết Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, các hoạt động phần lễ và phần hội được chuẩn hóa, đúng với nghi thức truyền thống.

Năm nay, Lễ hội mùa Xuân gắn với Lễ tưởng niệm 690 năm Ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả sẽ được tổ chức lớn hơn, được truyền hình trực tiếp trên một số đài và nền tảng số.

Bên cạnh đó có Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn" là Bảo vật Quốc gia vào sáng 25/2, tức 16 tháng Giêng Âm lịch; tổ chức Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2024.

Nhân dịp Lễ hội mùa Xuân năm 2024, Hải Dương lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã “Hành trình kết nối Di sản," đây là giải việt dã có quy mô lớn nhất, cự ly dài nhất tổ chức tại tỉnh; dự kiến tổ chức sáng 26/2, tức sáng ngày 17 tháng Giêng.

Điểm tổ chức lễ khai mạc và xuất phát tại sân tam quan ngoại chùa Côn Sơn. Giải có 3 cự ly: 5km, 10km và 15km. Cung đường chạy sẽ kết nối di tích chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Đây là lần đầu tiên một giải chạy quy mô với cự ly dài nhất được tỉnh Hải Dương tổ chức. Bên cạnh các vận động viên chuyên nghiệp, giải sẽ thu hút và huy động đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách tham gia.

Tuần Văn hóa, ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại với các hoạt động hấp dẫn như lễ hội ẩm thực giới thiệu món ăn tiêu biểu của Hải Dương và các địa phương trong cả nước; trình diễn áo dài sắc màu Hải Dương; các trò chơi dân gian…

 Du khách thăm quan các gian hàng tại Lễ khai mạc Tuần văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại trong Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn–Kiếp Bạc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Du khách thăm quan các gian hàng tại Lễ khai mạc Tuần văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại trong Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn–Kiếp Bạc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng cho biết điểm thuận lợi là năm nay tuyến đường từ Di tích Côn Sơn sang Kiếp Bạc đã được mở rộng. Việc tổ chức giải chạy vào đúng dịp lễ hội nhằm tạo hiệu ứng tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe.

Lễ hội truyền thống Côn Sơn-Kiếp Bạc từ nhiều thế kỷ trước đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa Xứ đông. Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Côn Sơn-Kiếp Bạc được coi là trung tâm văn hóa, lịch sử lớn trong số 133 di tích xếp hạng Quốc gia của Việt Nam. Hằng năm vào mùa Xuân và Thu, nơi đây sẽ tổ chức lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc, được xem là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc và người dân cả nước khi hướng về cội nguồn.

Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc được diễn ra từ ngày 14-23 tháng Giêng Âm lịch; trong đó điểm nhấn là lễ khai hội vào ngày 16 tháng Giêng, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc được tổ chức từ 10-20 tháng Tám Âm lịch, gồm 3 nghi lễ chính: Lễ tưởng niệm ngày mất Anh hùng Dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi; lễ khai ấn và ban ấn; Lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Các nghi lễ được thực hiện đúng theo phong cách truyền thống xưa nhằm tôn vinh công đức của các danh nhân và bảo tồn giá trị văn hóa từ nhiều đời nay.

Sau một năm làm ăn thuận lợi, bước sang năm mới cả cộng đồng dân cư lại làm lễ rước tam vị Thánh tổ thiền phái Trúc Lâm đi cầu nước cho sản xuất, và đời sống dân sinh được đầy đủ thuận hòa. Trong năm mới, họ thành kính rước Phật tổ để chiêm ngưỡng sự thịnh vượng, an lành của đất nước, sự thành đạt, đoàn kết của các lớp con cháu. Không khí lễ rước nước linh thiêng choáng ngợp, cảm giác vui mừng, hân hoan lan tỏa như được tiếp thêm sức mạnh phật pháp, với niềm tin Phật, Thánh sẽ chứng cho lòng thành kính của cộng đồng mà ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ và mọi điều an lành.

 Nghi lễ tế Trời Đất tại Trung Nhạc Miếu. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Nghi lễ tế Trời Đất tại Trung Nhạc Miếu. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Lễ tế Trời Đất trên Ngũ Nhạc linh từ là nghi lễ kính cáo với trời đất vào ngày linh thiêng nhất của lễ hội đầu năm, cầu mong trời đất chứng kiến lòng thành kính và phép ứng xử trong đời sống xã hội của cộng đồng đúng đạo làm người, hợp với đạo trời-từ bi hỷ xả mà Trời Đất, thánh Phật phù giúp cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.. Một nghi lễ quan trọng của lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc là lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực.

Chuẩn bị cho Lễ hội mùa Xuân 2024, Ban quản lý Khu di tích tích cực cải tạo cảnh quan như chỉnh trang vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên; chuẩn bị sẵn sàng các vật phẩm cho các nghi lễ truyền thống...

Ban quản lý cũng phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phân công lực lượng bảo vệ. Ban thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá; không để xảy ra tình trạng đeo bám khách, bán hàng rong, lấn chiếm vị trí bán hàng…; bố trí lực lượng thường trực tại điểm di tích, khu vực tập trung đông du khách để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và kịp thời hỗ trợ du khách./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hai-duong-ba-net-moi-tai-le-hoi-mua-xuan-con-son-kiep-bac-post919041.vnp