Hải Dương chủ động chống hạn từ sớm, từ xa
Vụ đông xuân 2023-2024, Hải Dương đã phải oằn mình chống hạn một số khu vực. Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm nay, công tác chống hạn đang được chủ động thực hiện từ sớm, từ xa.
Nhiều bất lợi
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, nhiều năm trở lại đây, quá trình đưa nước đổ ải và tưới dưỡng vụ đông xuân, nhất là ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện và TP Chí Linh thường gặp những khó khăn, bất lợi như thiếu nước, nước bị ô nhiễm, nước bị nhiễm mặn quá mức cho phép...
Vụ đông xuân năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 3, mực nước tại khu vực Bắc Hưng Hải thường xuyên xuống thấp và ô nhiễm. Từ ngày 5-19/3, nước trên các sông Kim Sơn, Tràng Kỹ, Tây Kẻ Sặt, Đĩnh Đào, Cửu An... lần lượt xảy ra tình trạng ô nhiễm đến ô nhiễm nặng, nước đen đặc, bốc mùi hôi thối. Hầu hết các xí nghiệp thuộc khu vực Bắc Hưng Hải phải đóng cống lấy nước, tránh tình trạng nước ô nhiễm xâm nhập vào kênh trục nội đồng.
Đối với những diện tích lấy nước từ các hồ ở TP Chí Linh như Phú Lợi, Bến Tắm, Hố Vễn có những thời điểm đã thiếu nước. Năm 2025, lượng mưa dự báo thấp hơn cùng kỳ nhiều năm, nguồn sinh thủy về hồ ít hoặc không có nên nguy cơ hạn hán có thể xảy ra.
Quá trình phục vụ sản xuất vụ đông xuân nhiều năm gần đây cho thấy khoảng tháng 3 và tháng 4 hằng năm, tại khu vực sông Bắc Hưng Hải (đoạn qua các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng) thường xuyên bị ô nhiễm nguồn nước, do các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chảy về địa phận tỉnh Hải Dương. Tại cống Cầu Xe, An Thổ (Tứ Kỳ) nhiễm mặn không thể lấy nước ngược.
Trong khi đó, nồng độ mặn tại cửa các cống Cầu Xe, An Thổ nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép nên nhiều trạm bơm không thể lấy nước để bơm tưới dưỡng lúa. Các vùng đồng cao khu vực Bắc Hưng Hải thuộc các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc... vì thế cũng trong tình trạng bị thiếu nước phục vụ tưới dưỡng cho cây trồng.
Đối với vùng tưới tự chảy khác thuộc các khu vực thủy triều trong những năm gần đây nguồn nước đang có xu hướng suy giảm, tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn dẫn tới khả năng cấp nước tự chảy thấp và gặp nhiều khó khăn.
Dự báo từ tháng 1 đến tháng 3/2025, nhiệt độ trung bình ở khu vực Hải Dương phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình năm ngoái. Thời tiết, khí hậu vụ đông xuân 2024 - 2025 có nhiều diễn biến phức tạp. Mực nước các sông biến đổi chậm theo xu thế giảm. Nguồn nước trên các sông và các hồ chứa phổ biến ở mức thiếu hụt một chút so với trung bình nhiều năm.
Thời vụ tưới hiện nay rất khẩn trương, yêu cầu thời gian tưới ngắn, nhiều công trình không đáp ứng được. Trong khi đó, diện tích sản xuất của tỉnh cần nước tưới rất lớn với gần 51.000 ha lúa, hơn 17.455 ha mạ, cây rau màu, vùng chuyển đổi, hơn 7.212 ha cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và hơn 9.851 ha nuôi thủy sản.
"Với nhiều bất lợi như vậy, việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống hạn vụ đông xuân là cần thiết, cấp bách. Đến nay, chúng tôi đã triển khai kế hoạch này đến từng Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện; xác định rõ những nguy cơ, tình huống và giải pháp chống hạn cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố", bà Nguyễn Thị Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh nhấn mạnh.
Triển khai phương án trọng điểm
Vụ đông xuân 2023-2024, Bình Giang là "điểm nóng" về tình trạng hạn hán. Do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó các sông trên địa bàn thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nặng đã dẫn tới hơn 500 ha đất sản xuất của huyện này bị hạn hán nghiêm trọng.
Lường trước những khó khăn tương tự có thể xảy ra, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang đã chủ động xây dựng phương án trọng điểm chống hạn vụ đông xuân 2024-2025.
Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Đào Văn Đông cho biết đơn vị đã xây dựng nhiều phương án để ứng phó với các trường hợp từ hạn hán nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng và bất khả kháng. "Xí nghiệp xây dựng những biện pháp rất cụ thể khi trời không mưa, mực nước các sông xuống thấp, ô nhiễm, nhiễm mặn không thể đưa nước vào trong đồng. Trọng tâm là sẽ thuê, lắp các tổ hợp máy bơm dã chiến bơm nước từ những vùng an toàn vào trong đồng và tiếp tục sử dụng các trạm bơm nội đồng phân phối đến các vùng hạn", ông Đông cho biết.
Căn cứ kế hoạch sản xuất, thời vụ gieo trồng của địa phương, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi các huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch điều hành nguồn nước phù hợp cho từng vùng sản xuất. Đối với diện tích khả năng không đủ nước cho cấy lúa đề nghị chuyển đổi cây trồng cho phù hợp.
Ông Bùi Quang Bắc, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng cho biết đơn vị đã chủ động rà soát, sửa chữa, nâng cấp 17 trạm bơm do đơn vị quản lý để chủ động tận dụng triệt để các đợt triều cường và các đợt xả nước từ các hồ thủy điện để đưa dẫn, tích trữ nước sớm vào hệ thống kênh mương nội đồng. Đây là một trong những phương án trọng điểm để khắc phục tình trạng hạn hán có thể xảy ra. Việc này cần huy động tối đa công suất máy móc, thiết bị và nhân lực và cũng gây tốn kém hơn nhưng là cần thiết.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đề nghị các xí nghiệp thực hiện bơm nước, đưa dẫn nước, trữ nước vào các hệ thống nội đồng trước ngày 31/12. Thực hiện đổ ải tập trung từ ngày 15/1- 25/2/2025. Đối với những khu vực vùng cao thuộc các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc khó khăn về nguồn nước thì chủ động bơm ngả ải sớm...
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-chu-dong-chong-han-tu-som-tu-xa-398784.html