Hải Dương: Đương sự đề nghị xem xét lại bản án tranh chấp tiền bồi thường

Cho rằng Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hải Dương có dấu hiệu bỏ lọt một số tình tiết quan trọng dẫn đến phán quyết chưa bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong vụ án tranh chấp khoản tiền bồi thường 1 tỷ đồng, ông Dũng đã gửi đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Từ khoản đầu tư thất bại đến tranh chấp bồi thường

Gửi đơn đến PLVN, ông Đào Duy Dũng (Trú tại Phố Hồng Hà, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) cho biết, vào thời điểm tháng 3 năm 2008, ông Bùi Ngọc Thấn (phố Hồng Hà, thị trấn Phú Thái, Kim Thành, Hải Dương) và ông Nguyễn Văn Len (thôn Văn Dương, xã Kim Liên, Kim Thành, Hải Dương) đã cùng ông hợp tác kinh doanh, chuyển đổi mục đích kinh doanh trên diện tích đất mà trước đó ông kinh doanh vật liệu xây dựng.

Theo đó, ba ông cùng thống nhất làm xưởng đóng tàu, để bắt đầu hợp tác, ngày 29/03/2008, ông Dũng, ông Thấn và ông Len lập bản cam kết góp vốn xây dựng cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện tàu với nội dung như sau: ông Dũng cam kết góp tiền mặt thực hiện dự án với số tiền dự kiến là 500.000.000 đồng; ông Thấn chịu trách nhiệm san lấp, làm cứng mặt bằng với số tiền dự kiến góp vốn là 400.000.000 đồng; ông Len chịu trách nhiệm kỹ thuật đóng tàu, vật tư, thiết bị máy móc, nhân lực.

Đáng lưu ý, ngoài nội dung phân công cụ thể nhiệm vụ của từng người thì các bên còn thỏa thuận: Sau khi hoàn chỉnh thủ tục pháp lý đối với dự án thì mới tiến hành làm trạm biến áp, xây dựng nhà bảo vệ, nhà công nhân, kho, hàng rào bảo vệ. Sau khi làm xong mặt bằng và công trình cơ bản, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất thì sẽ quyết toán và tính cổ phần góp vốn của từng người.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, do thị trường biến động việc đóng tàu không còn phát triển nên dự án bị dừng lại, không tiến hành nữa. “Khi đó, tôi đã yêu cầu ông Thấn san lấp, hoàn trả lại mặt bằng như cũ để tiếp tục kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng ông Thấn không hợp tác”, ông Dũng nói.

Tháng 10 năm 2009, ông Đào Duy Dũng trả lại mặt bằng cho UBND thị trấn Phú Thái và không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Sau đó vào năm 2010, ông Dũng thành lập dự án kinh doanh vật liệu xây dựng và chất đốt, ông Dũng được UBND huyện Kim Thành giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn sử dụng là 30 năm (từ ngày 21/05/2010 đến ngày 21/05/2040).

Đến năm 2019, do việc kinh doanh không thuận lợi nên ông Dũng đã trả lại diện tích đất nêu trên cho UBND huyện Kim Thành. Khi UBND huyện Kim Thành thu hồi và giao cho người khác sử dụng, bên tiếp nhận lại diện tích đất nêu trên có đền bù những tài sản trên đất cho ông Dũng với số tiền là 1.000.000.000 đồng.

Khi biết tin ông Dũng được đền bù đối với tài sản trên đất thì ông Bùi Ngọc Thấn đã yêu cầu ông Dũng thanh toán cho ông số tiền mà ông đã bỏ ra để san lấp mặt bằng năm 2008 nhưng ông Dũng không đồng ý. Do đó, ông Bùi Ngọc Thấn đã khởi kiện ông Dũng ra Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương để buộc ông Dũng phải thanh toán cho ông số tiền 598.095.100 đồng.

Nhiều điểm cần làm rõ

Tại bản án sơ thẩm số: 01/2021/DS-ST ngày 08/04/2021, TAND huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Ngọc Thấn. Buộc ông Đào Duy Dũng và bà Nguyễn Thị Xim (vợ ông Dũng) phải thực hiện nghĩa vụ trả cho ông Bùi Ngọc Thấn và bà Nguyễn Thị Luyến số tiền 598.095.100 đồng.

Không đồng ý với quyết định của tòa, ngày 15/04/2021, ông Đào Duy Dũng đã kháng cáo bản án nêu trên. Tại Bản án phúc thẩm số 16/2022/DS-PT ngày 19/05/2022 TAND tỉnh Hải Dương đã ra phán quyết: Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 08/04/2021 của TAND huyện Kim Thành theo hướng: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Ngọc Thấn. Buộc ông Đào Duy Dũng phải trả ông Bùi Ngọc Thấn số tiền 291.135.000 đồng; Ghi nhận sự tự nguyện của ông Bùi Ngọc Thấn về việc không yêu cầu ông Nguyễn Văn Len phải trả ông số tiền 58.227.000 đồng”.

Vẫn không đồng ý với phán quyết của TAND tỉnh Hải Dương, Ông Dũng đã gửi đơn đến Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội và Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Bởi ông Dũng cho rằng cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều không xem xét, tính đến tiền thuê đất bãi làm mặt bằng để làm cơ sở đóng tàu trong suốt khoảng thời gian góp vốn làm ăn chung giữa ông Dũng, ông Thấn và ông Len từ tháng 03/2008 đến tháng 07/2009, mà chỉ xem xét tính tiền công san lấp mặt bằng của ông Bùi Ngọc Thấn là có dấu hiệu không chính xác, không khách quan, công bằng, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Khi trả lại mặt bằng cho UBND thị trấn Phú Thái vào tháng 7/2009, ông Dũng lại phải mất một khoản chi phí để làm lại mặt bằng, trong khi trước đó ông Dũng đã yêu cầu ông Bùi Ngọc Thấn làm lại mặt bằng như cũ để ông Dũng có chỗ kinh doanh nhưng ông Thấn không hợp tác.

Bên cạnh đó, các chi phí san lấp mặt bằng năm 2008 của ông Thấn đưa ra với số tiền là 598.095.100 đồng nhưng ông lại không xuất trình được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh số tiền nêu trên mà Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ dựa vào bảng tự kê của ông Thấn dựa trên cơ sở tổng hợp Sổ nhật trình những phần có xác nhận của bà Xim và Biên bản chốt công nợ ngày 04/7/2008 với Xí nghiệp tư doanh vận tải Hồng Lạc.

Tại Bản án phúc thẩm số 16 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã nhận định: “Đến năm 2019, ông Dũng đã bán tài sản gắn liền với đất thuê nêu trên trong đó có diện tích san lấp mặt bằng trong dự án (15.042,0 m2) không trao đổi, bàn bạc gì với ông Thấn và ông Len. Do vậy, xác định ông Dũng được hưởng lợi từ việc đầu tư của ông Thấn nên phải chịu 50% rủi ro, tương ứng với số tiền là 291.135.000 đồng”. Theo ông Dũng đây là nhận định là có dấu hiệu chưa chính xác, bởi vì: dự án thành lập cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện tàu thủy An Phú của 3 ông đã không thực hiện được do nguyên nhân khách quan nên đã giải tán từ năm 2008. Sau đó, thửa đất bị bỏ trống. Đến tháng 07/2009, do hết hạn hợp đồng thuê đất nên ông Dũng đã trả lại thửa đất cho UBND thị trấn Phú Thái. Khi trả lại đất cho UBND thì ông Dũng không được bồi thường, đền bù bất kỳ một khoản tiền nào đối với các tài sản trên thửa đất mà ông Dũng đã đầu tư./.

Quang Duy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hai-duong-duong-su-de-nghi-xem-xet-lai-ban-an-tranh-chap-tien-boi-thuong-post454888.html