Hải Dương khai mạc tuần lễ xúc tiến thương mại trong lễ hội đền Bia
Tham gia Tuần lễ xúc tiến thương mại tại đền Bia (Hải Dương) có gần 30 gian hàng của gần 100 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, với trên 700 sản phẩm. Các sản phẩm cơ bản được sản xuất trên địa bàn Cẩm Giàng và nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Sáng 8/5, tại khu vực di tích quốc gia đặc biệt đền Bia (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng), Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức khai mạc Tuần lễ xúc tiến thương mại nhân dịp lễ hội truyền thống đền Bia năm 2024, nhằm giới thiệu đến nhân dân và du khách về các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,16%, xếp thứ 13 cả nước, thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,1%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,2%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt gần 10 tỷ USD, đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt trên 8,1%/năm.
Tỉnh Hải Dương được biết đến không chỉ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, với hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa mà còn là vùng đất với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu biểu và các vùng trồng cây trái, nông sản tập trung, tạo ra những đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đối với nhóm sản phẩm OCOP, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 350 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó, có 118 sản phẩm 4 sao, 231 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao). Riêng huyện Cẩm Giàng có 27 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 26 sản phẩm 3 sao và một sản phẩm là cà rốt tươi Đức Chính đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
Về nhóm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, toàn tỉnh hiện có 282 lượt sản phẩm được UBND tỉnh Hải Dương công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (trong đó, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có 84 lượt sản phẩm được công nhận); có 34 sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia.
Đối với nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề truyền thống, có các sản phẩm nổi tiếng như gốm sứ (Chu Đậu - Nam Sách và Sứ Cậy - Bình Giang); đồ mộc và mộc mỹ nghệ (Đông Giao, Lương Điền - Cẩm Giàng); thêu ren (Xuân Nẻo - Hưng Đạo, Tứ Kỳ)... cùng với các sản phẩm đặc trưng như bánh đậu xanh, bánh Gai, vải thiều, bột sắn dây, mật ong... mang nét đặc trưng riêng có, tạo sự khác biệt, tiêu biểu và ngày càng phát triển không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Để tăng cường quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường luôn được Lãnh đạo tỉnh Hải Dương quan tâm chỉ đạo thực hiện.
"Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, việc tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; nhiều sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan..., một số trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường cao cấp", Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Vũ Thị Kim Phượng nhấn mạnh.
Tham gia Tuần lễ xúc tiến thương mại có gần 30 gian hàng tiêu chuẩn của gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia với trên 700 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu; các sản phẩm cơ bản được sản xuất trên địa bàn Cẩm Giàng và nhiều địa phương khác trong tỉnh; những sản phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực hiện ghi nhãn hàng hóa, đóng gói bao bì với các thông tin cụ thể, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng không chỉ đậm đặc về số lượng di sản, phong phú về lễ hội truyền thống mà còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống như chạm khắc gỗ Đông Giao, rượu Phú Lộc, nón lá, nhuộm vải Mao Điền, bột lọc Tân Trường, đan lát Cao An...
Qua thời gian, một số nghề cổ truyền đã bị mai một, thì bên cạnh đó có những làng nghề đang được quan tâm đầu tư và mở rộng sản xuất để hội nhập và phát triển như làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, nghề mộc Ngọc Liên, nấu Rượu Phú Lộc… tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động tại chỗ với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Huyện Cẩm Giàng có hệ thống giao thông thuận lợi, có quốc lộ 5A, đường xe lửa nối Hà Nội - Hải Phòng, ga liên vận quốc tế đi qua, quốc lộ 38, tỉnh lộ 394 là những tuyến đường huyết mạch để giao thương vận chuyển hàng hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa với các vùng phụ cận.
Cùng với đó là hệ thống sông ngòi dày đặc bao quanh huyện như sông Thái Bình, sông Kim Sơn… tạo nên sự màu mỡ cho phát triển nông nghiệp với nhiều cây rau mầu có giá trị như vùng chuyên canh sản xuất cây cà rốt với diện tích 500ha, năng suất 480 tạ/ha, sản lượng đạt trên 25.000 tấn. Sản phẩm Cà rốt Cẩm Giàng đã khẳng định thương hiệu, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2017; sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019, cấp lại năm 2022.
Bên cạnh thế mạnh cây nông nghiệp, Cẩm Giàng còn có các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn có quản lý, giám sát dịch bệnh chặt chẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là các trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Tổng số gà đẻ trứng trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đạt 344.300 con, đứng đầu trong toàn tỉnh Hải Dương. Sản lượng trứng gà hàng năm đạt 105.000.000 quả. Sản phẩm Trứng gà Cẩm Đông đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso năm 2021 và được thương lái từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đến thu mua.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có nhiều công ty thu mua, chế biến nông sản với quy mô lớn như Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, Công ty TNHH Green food, công ty TNHH Vạn Đắc Phúc, Công ty TNHH thực phẩm Ánh Dương,.. thu mua, chế biến các loại nông sản như ớt, hành lá, khoai tây, bí đỏ, rau cải xanh, gừng, tỏi, quế, hồi...
“Việc tổ chức Tuần lễ xúc tiến thương mại tại huyện Cẩm Giàng nhằm trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp của huyện Cẩm Giàng nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung đến mọi tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Thông qua việc tham gia trưng bày gian hàng tại lễ hội tạo cơ hội quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tới bạn bè trong và ngoài tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Công khẳng định.
Theo Ban tổ chức, Tuần lễ xúc tiến thương mại được tổ chức trong 3 ngày liên tục (từ 7/5 đến hết ngày 9/5) để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh có cơ hội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm với du khách thập phương nhân dịp về dự tưởng niệm đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh nhằm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Hải Dương, thúc đẩy sản xuất, đóng góp tích cực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đây cũng là hoạt động thiết thực, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.