Hai gánh nặng lớn cản đà phát triển của kinh tế Trung Quốc
Trong quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19, gánh nặng kinh tế vì dân số già hóa và quả bom nợ phình to là hai trong số những vấn đề lớn nhất đeo bám đất nước 1,4 tỷ dân.
Hơn 5 năm trước, khi Trung Quốc chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, những lo ngại về khủng hoảng nhân khẩu học dường như là điều quá xa vời.
Tuy nhiên, đến năm 2021, những lo ngại về nhân khẩu học và nợ phình to là hai trong số các vấn đề lớn nhất đeo bám đất nước 1,4 tỷ dân.
Theo South China Morning Post, chính quyền Trung Quốc cho biết dân số nước này có thể sớm bị Ấn Độ vượt vào năm 2027. Nguyên nhân là tỷ lệ sinh thấp. Năm 2019, tỷ lệ sinh trung bình của Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,47 ca sinh mỗi phụ nữ.
Gánh nặng dân số già
Năm 2019, tổng dân số Trung Quốc tiếp tục tăng từ 1,39 tỷ người vào năm trước đó lên 1,4 tỷ người. 14,65 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra trong năm 2019. Tuy nhiên, đây là mức thấp nhất kể từ năm 1961.
Trong vòng 5 năm qua, một số nhà lập pháp và nhân khẩu học của Trung Quốc đã liên tục đề xuất từ bỏ hoàn toàn chính sách kiểm soát sinh đẻ của chính phủ nước này.
Hồi tháng 8/2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm có thể thử nghiệm gỡ bỏ hạn chế sinh đẻ, sau khi tiến hành thêm các đánh giá tác động đối với nền kinh tế.
Đây là các tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất và gánh nặng kinh tế đối với việc chăm sóc người già cao nhất tại Trung Quốc.
Năm nay, Đảng dân chủ nông công Trung Quốc - một trong tám đảng thiểu số ở Trung Quốc - cũng có kế hoạch đệ trình đề xuất nhằm tăng tỷ lệ sinh.
Một số đề xuất bao gồm kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ ba lên sáu tháng, đảm bảo quyền nghỉ sinh con của người cha, giảm thuế chi phí chăm sóc con cái.
Ngoài ra, danh sách này còn có trợ cấp chi phí giáo dục cho con thứ hai, hỗ trợ chính sách đối với những người muốn mua nhà lớn hơn, cũng như trợ cấp và giảm thuế cho người sử dụng lao động nhằm bảo vệ việc làm của các bà mẹ mang thai.
Bom nợ phình to
Một ưu tiên lớn khác của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là giảm nợ công. Năm ngoái, tỷ lệ nợ công trên GDP của Trung Quốc tăng vọt từ 246,5% lên 270,1%. Nguyên nhân là Bắc Kinh nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách và tăng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy nền kinh tế và bảo vệ việc làm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19.
Trong khi đó, nguồn thu chính quyền địa phương ngày càng lao dốc, áp lực tái cấp vốn gia tăng đối với những khoản nợ hiện có.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc ở mức 26.000 tỷ NDT (4.000 tỷ USD) vào cuối tháng 1. Hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu của các công ty quốc doanh Trung Quốc cũng phơi bày rủi ro nợ - mối đe dọa lớn đối với triển vọng của kinh tế Trung Quốc.
Nếu tiếp tục phát hành trái phiếu với quy mô như năm 2020, chúng ta có thể bước vào vùng báo động rủi ro trong năm 2021
Xue Xiaogan, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Nợ công
"Nếu tiếp tục phát hành trái phiếu với quy mô như năm 2020, chúng ta có thể bước vào vùng báo động rủi ro trong năm 2021", chuyên gia Xue Xiaogan, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Nợ công của Bộ Tài chính Trung Quốc, nhấn mạnh.
"Trong bối cảnh đó, việc xác định đúng đắn quy mô vay, nguồn tiền trả nợ, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro nợ một cách chặt chẽ là cực kỳ quan trọng", ông nhấn mạnh.
Ông Larry Hu, Trưởng bộ phận Kinh Tế Trung Quốc đại lục tại Macquarie Group, tin rằng Bắc Kinh có thể giảm thâm hụt tài khóa từ 8,6% vào năm 2020 xuống 6%.
Theo dự đoán của ông Hu, tổng phát hành trái phiếu chính phủ sẽ bị cắt giảm từ 8.500 tỷ NDT (1.316 tỷ USD) hồi năm ngoái xuống còn 6.850 tỷ NDT (1.060 tỷ USD) vào năm 2021.
"Thâm hụt tài khóa sẽ trở lại bình thường vào năm 2021. Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, mục tiêu là ổn định tỷ lệ nợ công trên GDP. Tỷ lệ này đã tăng 7 điểm phần trăm vào năm 2020", ông khẳng định.
Theo ông Xue, quy mô của các trái phiếu mục đích đặc biệt nên được cắt giảm dần. Đây là những trái phiếu cấp vốn cho các dự án của chính quyền địa phương. Khi nền kinh tế phát đi những dấu hiệu phục hồi, cần ngăn chặn tình trạng phụ thuộc quá lớn vào vay nợ và khiến rủi ro nợ càng thêm trầm trọng.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã tăng phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt ở cả cấp trung ương và địa phương. Tổng quy mô tăng từ 3.500 tỷ NDT (542 tỷ USD) năm 2019 lên 3.750 tỷ NDT (580,5 tỷ USD) năm 2020. Điều này đi ngược với chủ trương cắt giảm nợ công của chính quyền Trung Quốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2020 chỉ tăng 3,4% so với 3,3% của năm 2019. Điều đó cho thấy gánh nặng nợ tăng lên nhưng không thể bù đắp sự sụt giảm trong đầu tư tài sản cố định.
Việc xác định đúng đắn quy mô vay, nguồn tiền trả nợ, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro nợ một cách chặt chẽ là cực kỳ quan trọng
- Ông Xue Xiaogan
Theo công ty Zhongtai Securities, các chính quyền địa phương Trung Quốc có khả năng phát hành 6.800 tỷ NDT (1.053 tỷ USD) trái phiếu mới trong năm 2021, bao gồm 3.300 tỷ NDT (511 tỷ USD) trái phiếu thường và 3.500 tỷ NDT (542 tỷ USD) trái phiếu mục đích đặc biệt.
Trung Quốc cũng không có khả năng phát hành 1.000 tỷ NDT (155 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt nhằm thúc đẩy chi tiêu của chính phủ như năm ngoái.
Bộ Tài chính cũng chưa công bố liệu họ có tiến hành phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong năm nay hay không. Họ đã phát hành trái phiếu trong hai năm qua để huy động vốn nhằm tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu kích thích kinh tế bằng cách gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giảm xuống", South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích của Industrial Securities nhận định.