Hài hòa lợi ích để phát triển thương hiệu thanh long Long Định 1

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản vì không đáp ứng điều kiện về mã số vùng trồng. Điều này đã dẫn đến nhiều thiệt hại, nguy cơ mất thị trường hoặc độc quyền thị trường. Để tháo gỡ khó khăn, các bên liên quan đang tích cực tìm giải pháp bảo đảm quyền lợi của các DN và duy trì thương hiệu trái cây Việt Nam ở thị trường cao cấp như Nhật Bản.

Cần tôn trọng bản quyền

Vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp trước yêu cầu mới về mã số vùng trồng đối với trái thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) trong xuất khẩu. Tại cuộc họp, Cục Trồng trọt chia sẻ thông tin về bản quyền thanh long ruột đỏ LĐ1. Theo đó, giống thanh long này đã được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển nhượng cho Công ty (Cty) TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) từ năm 2017 và hiện chỉ có giống thanh long này được Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu.

Cục trưởng Cục Trồng trọt - Nguyễn Như Cường khẳng định: “Năm 2017, hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học nông nghiệp với giống thanh long LĐ1 có giá trị chuyển nhượng lên đến 5 tỉ đồng là sự kiện lớn. Việc thương mại hóa sản phẩm khoa học là vô cùng cần thiết và quan trọng vì đây cũng là cơ sở để phát triển các nghiên cứu khoa học khác. Đến thời điểm này, có thể khẳng định hoạt động chuyển giao bản quyền từ Viện Cây ăn quả miền Nam cho một đơn vị tư nhân hoàn toàn đúng theo các quy định pháp luật, trong đó, có các tiêu chí về tránh độc quyền và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên”.

Do “vướng” về bản quyền giống thanh long mà nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản

Do “vướng” về bản quyền giống thanh long mà nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản

Tuy nhiên, nhiều nông dân, hợp tác xã và DN cho rằng Viện Cây ăn quả miền Nam chưa minh bạch trong mua bán bản quyền giống. Vì giống thanh long LĐ1 trước khi bán bản quyền cho Cty TNHH Hoàng Phát Fruit đã được một số nông dân mua trực tiếp từ Viện Cây ăn quả miền Nam về trồng từ năm 2007. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn bộc bạch: “Giống thanh long LĐ1 đã được người dân huyện Châu Thành mua về trồng từ năm 2007, tức là trước gần 10 năm so với thời điểm mà Viện Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền giống LĐ1 cho Cty TNHH Hoàng Phát Fruit. Do đó, tôi đề nghị Viện Cây ăn quả miền Nam giải thích thỏa đáng về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho những nông dân đã mua giống thanh long LĐ1 về trồng trước năm 2017”.

Trao đổi tại cuộc họp, đại diện Cty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết: Ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nếu DN và nông dân cần chứng minh truy xuất nguồn gốc giống thanh long LĐ1, Cty sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ bản quyền không thu phí trong thời gian 5 năm, tính từ thời điểm hiện tại.

Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đang là công ty sở hữu bản quyền giống thanh long Long Định 1

Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đang là công ty sở hữu bản quyền giống thanh long Long Định 1

Đối với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, những nông dân nào đang trồng giống thanh long LĐ1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp cây giống khảo nghiệm thì công ty sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với giá cả cao hơn thị trường 20-30%. Bên cạnh đó, HTX hay DN có sử dụng giống thanh long LĐ1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản, Cty sẽ hỗ trợ hướng dẫn về quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm và ứng trước 30% chi phí sản xuất.

Ngoài ra, đối với các DN muốn xuất khẩu thanh long LĐ1 vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản phải trả phí cho Cty với mức phí cụ thể như sau: 30 đồng/kg khi xuất khẩu từ 5-15 ngàn tấn; 20 đồng/kg khi xuất khẩu từ 15-25 ngàn tấn; 10 đồng/kg khi xuất khẩu trên 25 ngàn tấn. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Đặng Phúc Nguyên cho biết: Thời gian qua, chỉ có 2 DN xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản và số lượng hàng cũng không nhiều “Tôi nghĩ, chúng ta cần tôn trọng bản quyền. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với các đơn vị nhận bảo hộ bản quyền mà xuất khẩu sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm thanh long Việt Nam” - ông Nguyên cho biết thêm.

Hướng đến lợi ích chung

Giám đốc Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (tỉnh Bình Thuận) - Trần Hữu Hậu chia sẻ: “Việc Cty TNHH Hoàng Phát Fruit nhượng quyền thanh long LĐ1 cho nông dân, DN khác là hợp lý và phù hợp với quy định. Việc này sẽ giúp tất cả DN Việt Nam cùng kinh doanh, sản xuất minh bạch và cạnh tranh công bằng hơn. Mặt khác, khi các khó khăn về bản quyền được tháo gỡ, các mặt hàng thanh long ruột đỏ của Việt Nam sẽ vươn xa hơn”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “Về phía Sở, chúng tôi đã cùng Viện Cây ăn quả miền Nam và Cty TNHH Hoàng Phát Fruit có những cuộc họp và đi đến thống nhất là ngoài 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản thì các thị trường khác, kể cả Trung Quốc, các HTX, DN đều có thể xuất khẩu mà không cần nộp phí bảo hộ giống. Chúng tôi mong muốn các DN sẽ chung tay với nhau để vừa bảo đảm thực hiện đúng bản quyền về giống, vừa nâng cao được giá trị, thương hiệu của trái thanh long Việt Nam tại các thị trường trên thế giới”.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt - Nguyễn Như Cường, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân, DN nhận thức đầy đủ và thực thi có trách nhiệm với Luật Sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá cao trách nhiệm xã hội cũng như sự chia sẻ của Cty TNHH Hoàng Phát Fruit về vấn đề bản quyền giống thanh long ruột đỏ, họ đã công bố một cách rất rõ ràng về mức thu phí và theo ông, đây là một mức phí rất hợp lý.

“Cty TNHH Hoàng Phát Fruit cần sớm có văn bản gửi đến cơ quan chức năng, các địa phương về tuyên bố chỉ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LĐ1 ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc để nông dân và các đơn vị khác yên tâm sản xuất, kinh doanh” - ông Cường nhấn mạnh./.

B.Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hai-hoa-loi-ich-de-phat-trien-thuong-hieu-thanh-long-long-dinh-1-a150003.html