Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động
Đẩy mạnh ký kết và nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có tác dụng tích cực trong việc mở rộng dân chủ, tạo cơ hội để người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp tìm được “tiếng nói chung”; tăng cường trách nhiệm cả hai bên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. Qua đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh.
Tăng quyền lợi cho NLĐ
Xác định việc triển khai tốt TƯLĐTT tại các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ, những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai hiệu quả việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.
Đồng chí Lương Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng ký kết TƯLĐTT, hằng năm, LĐLĐ tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể, kỹ năng thúc đẩy đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và NLĐ cho cán bộ CĐCS và trên cơ sở.
Đồng thời, kịp thời tư vấn, hỗ trợ CĐCS trong quá trình thương lượng, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tổ chức ký kết TƯLĐTT; cử cán bộ Công đoàn cấp trên đến dự phiên họp thương lượng tập thể; khen thưởng, động viên cán bộ CĐCS và cán bộ Công đoàn cấp trên có thành tích tốt trong ký kết TƯLĐTT…”.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT, đồng thời thường xuyên xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung TƯLĐTT cho phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp cũng như nguyện vọng của NLĐ.
Nội dung các bản TƯLĐTT có nhiều điểm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như chế độ hiếu hỉ, bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ ăn giữa ca, trợ cấp khó khăn đột xuất, thi đua khen thưởng và các chế độ phúc lợi khác…
Điển hình như Công ty TNHH Exedy Việt Nam, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Trên cơ sở lấy ý kiến của 100% NLĐ và đàm phán với chủ doanh nghiệp, Công đoàn công ty đã đứng ra tổ chức ký kết TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn quy định pháp luật, lương tháng thứ 13, các khoản tiền thưởng; hỗ trợ tiền tàu xe cho NLĐ nghỉ phép năm.
Quy định thêm ngày nghỉ có hưởng lương trong năm và nghỉ việc riêng có hưởng lương; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ; tặng quà những ngày lễ, Tết, sinh nhật; tổ chức tham quan, nghỉ mát hằng năm; thăm hỏi NLĐ khi gia đình có việc hiếu, hỉ, trợ cấp lao động sau sinh; nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ…
Với Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên, việc ký kết TƯLĐTT được công ty triển khai từ năm 2019 và duy trì cho đến nay. Hằng năm, Công đoàn công ty đều tiến hành lấy ý kiến và đàm phán với chủ doanh nghiệp để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và tổ chức ký kết TƯLĐTT với những điều khoản ngày càng có lợi cho NLĐ.
Chủ tịch Công đoàn công ty Phạm Thanh Vân cho biết: “Công ty hiện có gần 2.300 lao động với mức lương trung bình khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các chế độ, quyền lợi theo đúng quy định pháp luật, thông qua việc ký kết TƯLĐTT, NLĐ được hưởng thêm nhiều chế độ phúc lợi khác như được tham quan, du lịch ít nhất mỗi năm 1 lần; tổ chức ngày hội gia đình hằng năm; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; thưởng 1 tháng lương trở lên nhân ngày thành lập công ty (ngày 19/10); thưởng 0,5 tháng lương nhân dịp 30/5 và 1/5…
Không chỉ góp phần chăm lo, đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của NLĐ, việc ký kết TƯLĐTT còn giúp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giúp NLĐ yên tâm, gắn bó, đóng góp vào sự phát triển bền vững của công ty…”
Tiếp tục nâng cao chất lượng TƯLĐTT
Mặc dù số lượng doanh nghiệp tổ chức ký kết TƯLĐTT trên địa bàn tỉnh đã tăng qua các năm, nhưng vẫn còn khiêm tốn, đến nay, mới có có 231 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có TƯLĐTT (đạt 61% số doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Công đoàn).
Một số doanh nghiệp dù đã ký kết TƯLĐTT, nhưng cách thức thương lượng và chất lượng thỏa ước còn mang tính hình thức, các điều khoản trong TƯLĐTT chủ yếu sao chép lại những quy định đã có của Bộ luật Lao động, ít có những thỏa thuận về quyền lợi cho NLĐ cao hơn so với quy định của pháp luật.
Nguyên nhân là do việc ký kết TƯLĐTT mang tính tự nguyện, chưa thực sự là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp khiến hoạt động của tổ chức Công đoàn trong việc thương lượng, thỏa thuận với chủ doanh nghiệp nhằm tăng quyền lợi cho NLĐ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, sự cần thiết của TƯLĐTT. Lực lượng cán bộ CĐCS còn thiếu kiến thức về pháp luật lao động, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền, vận động, năng lực đàm phán, thương lượng còn yếu; chưa chủ động, chưa mạnh dạn đề xuất chủ sử dụng lao động về việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT…
Công tác ký kết TƯLĐTT và nâng cao chất lượng TƯLĐTT được LĐLĐ tỉnh xác định là giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ và người sử dụng lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của ký TƯLĐTT; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ chủ chốt CĐCS trong doanh nghiệp…