Hái lộc đầu năm: Đừng hiểu sai rồi vi phạm pháp luật

Sau mỗi đêm giao thừa, chúng ta đều chứng kiến cảnh cây cối bên đường, chùa, nhà người dân…trụi lá, gãy cây vì bị bẻ cành hái lộc.

Trong nền văn hóa Tết nguyên đán Việt Nam, có phong tục đi hái lộc đầu năm và bẻ cành cây vào đêm Giao thừa (đêm 30 Tết) để mang về nhà. Sau khi cúng giao thừa tại gia hoặc tham gia lễ bái tại đền chùa, người ta thường bẻ lấy một cành lộc bên ngoài mang về nhà.

Hành động này ẩn chứa ý nghĩa xin nhận một ít lộc từ Phật, đất trời để chúc phúc, may mắn cho năm mới. Tuy nhiên, sau mỗi đêm giao thừa, chúng ta đều chứng kiến cảnh cây cối bên đường, chùa, nhà người dân…trụi lá, gãy cây vì bị bẻ cành hái lộc.

Chị Ngọc Châu (ngụ quận 12) cho biết: “Việc hái lộc đầu năm là một phong tục truyền thống đẹp của người Việt. Việc đem cành lộc vào nhà được coi như việc mang tài lộc vào nhà, tượng trưng cho may mắn trong năm mới. Nhưng theo tôi chúng ta cũng không lạm dụng việc này, bởi vì tâm lý người Việt việc hái lộc trở thành phong trào mỗi dịp đầu năm mới, nếu lạm dụng một cách phong trào như vậy tôi không nên cho lắm”.

Tương tự, anh Lý Văn Thiện (ngụ quận 12) chia sẻ: “Năm ngoái nhà tôi có trưng hai cây mai trước cửa nhà, vậy mà qua đêm giao thừa một cây thì gãy cành, một cây thì mất. Cho nên năm nay tôi viết 1 bảng nhỏ “xin đừng hái mai, xin đừng lấy mai” để tránh tình trạng giống năm ngoái. Lộc không chỉ đến từ bên ngoài mà còn phản ánh tâm hồn và hành động của chính mỗi cá nhân. Do đó, ngoài việc thực hiện phong tục hái lộc đầu năm, mỗi người cũng cần thay đổi lối sống, cách suy nghĩ và hành động của mình, tuân thủ đạo đức và chuẩn mực xã hội”.

 Việc đem cành lộc vào nhà được coi như việc mang tài lộc vào nhà, tượng trưng cho may mắn trong năm mới. Ảnh: TRẦN MINH

Việc đem cành lộc vào nhà được coi như việc mang tài lộc vào nhà, tượng trưng cho may mắn trong năm mới. Ảnh: TRẦN MINH

Trao đổi với PV, luật sư Đào Thị Bích Liên, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết những năm gần đây việc lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân đã gây ra sự phá hoại môi sinh, môi trường. Nhiều người còn nhầm tưởng hái và lấy được cây, cành càng lớn thì lộc càng nhiều nên nhiều người mang sẵn dao để chặt và mang cành, cây hoặc cả cây để mang về.

Theo khoản a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác thì: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này”.

Do đó, việc bẻ cành hái lộc đầu năm nếu mà làm hủy hoại, hư hỏng tài sản của người khác thì có thể khiến cá nhân bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức với mức xử phạt là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-loc-dau-nam-dung-hieu-sai-roi-vi-pham-phap-luat-post775839.html