Hải Phòng: Nông dân thu tiền tỷ nhờ cấy lúa trên ruộng rươi
Nhiều hộ dân ở 2 xã Kiến Quốc và Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng có khoản thu nhập lớn nhờ bán thóc cho doanh nghiệp bao tiêu mỗi vụ lúa cấy trên ruộng rươi.
Đầu giờ trưa một ngày giữa tháng 10/2023, chúng tôi có mặt tại khu vực cánh đồng thuộc 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng. Trên những ruộng rươi rộng lớn, bà con nông dân đang hối hả gặt lúa để chuẩn bị bước vào vụ rươi “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm”.
Trao đổi với Người Đưa Tin về lý do tại sao bà con nông dân nơi đây lại gặt tay chứ không gặt máy, anh Trần Văn Trung - Giám đốc Công ty CP đầu tư Hải Âu, doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm lúa ruộng rươi tại hai xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc, cho biết, bởi chân ruộng sâu trũng nhiều bùn, sử dụng máy gặt không thuận tiện cũng như bà con lo lắng gặt máy sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của con rươi.
Nói về cơ duyên gắn bó với đồng ruộng cũng như sản phẩm gạo ruộng rươi, anh Trung chia sẻ, năm 2004, sau khi tốt nghiệp Khoa Điều khiển tàu biểu, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam tại Tp.Hải Phòng, anh xuống làm việc tại một tàu viễn dương. Trong một chuyến tàu, thấy những bao gạo của Việt Nam xuất khẩu vỏ bao trắng trơn không có nhãn mác, thương hiệu. Trong khi đó, những bao gạo cùng loại của Thái Lan có nhãn mác, thương hiệu, có giá bán gấp 1,5 - 2 lần.
Với suy nghĩ táo bạo là gây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam, sau ba năm theo những chuyến tàu lênh đênh khắp năm châu, bốn biển, anh Trung bỏ công việc với mức lương gần 9 chữ số để lên bờ thành lập công ty và mở cửa hàng bán gạo tại phố Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, Tp.Hải Phòng.
Để có gạo ngon đưa ra thị trường tiêu thụ, anh Trần Văn Trung nhiều lần lặn lội sang “cường quốc gạo” Thái Lan, vào tỉnh Sóc Trăng gặp gỡ kỹ sư Hồ Quang Cua - “Cha đẻ” của giống gạo thơm ST24, ST25 từng lọt top 4 trong cuộc thi gạo ngon thế giới được tổ chức ở Thái Lan.
Năm 2014, anh Trung nhận được cuộc gọi của một người bạn ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng nhờ “giải cứu” 60 tấn thóc thu hoạch trên ruộng rươi. Mặc dù rất muốn mua giúp, nhưng anh buộc phải “đầu hàng” vì gạo sau khi nấu thành cơm vừa khô, lại cứng, người tiêu dùng không chấp nhận.
Sau khi nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa phù hợp với điều kiện ruộng rươi (độ mặn trung bình khoảng 3 phần nghìn - PV) và cho chất lượng gạo ngon, anh Trung bàn bạc với các hộ dân ở 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc hình thức hợp tác. Theo đó, công ty của anh sẽ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu toàn bộ đầu ra.
Từ 20 ha lúa ruộng rươi trên địa bàn hai xã kể trên được bao tiêu đầu ra năm 2015, đến nay, diện tích tăng lên hơn 100 ha, gồm các giống lúa: ST24, ST25, Tiến Vua, Thảo Dược VH1. Những giống lúa này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và cho năng suất cao, trung bình đạt 1,5 - 1,7 tạ/sào/vụ.
Do cấy lúa kết hợp với nuôi rươi, mỗi năm, bà con nơi đây chỉ cấy một vụ lúa mùa. Tuy nhiên, số tiền thu được cao hơn hẳn cấy lúa hai vụ do giá thóc bán ra lên tới 12.000 - 13.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 - 2 lần so với thóc thu được tại những chân ruộng khác. Vụ mùa năm 2022, nhờ bán thóc trên ruộng rươi rộng 10 ha, gia đình anh Cường ở xã Kiến Quốc thu được hơn 720 triệu đồng. Còn gia đình anh Hùng ở cùng xã thu được gần 1 tỷ đồng trên diện tích hơn 15 ha.
“Gạo ruộng rươi được người tiêu dùng ưa chuộng bởi điều kiện canh tác đặc biệt. Do kết hợp giữa cấy lúa và nuôi rươi, để rươi sinh trưởng và phát triển tốt, bà con không dùng bất cứ loại phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật nào cả. Vì thế, giá gạo ruộng rươi loại thường 35.000 - 40.000 đồng/kg, loại đặc biệt lên tới 86.000 đồng/kg, mà vẫn nhiều người tìm mua”, anh Trần Văn Trung chia sẻ.
Năm 2023, sản phẩm “Gạo ruộng rươi Kiến Quốc” được Tp.Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Tháng 8/2023, tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông Tp.Hải Phòng lần thứ tư do UBND Tp.Hải Phòng tổ chức, đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất lúa - rươi trên giống lúa ST25 theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Kiến Thụy” được trao giải nhất.
Từ 2 xã Kiến Quốc và Ngũ Phúc, đến nay, mô hình sản xuất kết hợp lúa - rươi, trong đó cấy giống lúa năng suất cao, cho gạo ngon, đã lan rộng ra nhiều vùng nuôi rươi của các địa phương của Tp.Hải Phòng, như các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão… Nhiều gia đình thu được tiền tỷ mỗi vụ nhờ bán thóc ruộng rươi như trường hợp anh Hùng ở xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.