Hải Phòng phát triển theo hướng 'Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh'

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành TP Cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa. Là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á...

Phối cảnh Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng - Dragon Ocean Đồ Sơn.

Phối cảnh Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng - Dragon Ocean Đồ Sơn.

Chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt

Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh, Quy hoạch TP Hải Phòng trong thời kỳ mới phải phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, các Chiến lược quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI; Chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt là “cửa chính ra biển” đối với cả miền Bắc, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng của Bắc Bộ và cả nước.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH của cả nước, sớm trở thành TP có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số và là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế.

Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng cùng các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế; mở rộng và phân bố không gian hợp lý, gắn kết chặt chẽ quá trình CNH, HĐH với đô thị hóa. Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số...

Phấn đấu đến năm 2050, Hải Phòng là TP Cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các TP hàng đầu châu Á và thế giới. Chuyển đổi mô hình kinh tế tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng cao cùng hệ thống an sinh xã hội bền vững...

Mục tiêu trước mắt mà Hải Phòng đang hướng tới, đến năm 2030 xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành TP Cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH, HĐH và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa. Là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á với trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển, trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các TP tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển kinh tế

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành TP Cảng biển lớn trong khu vực. (Ảnh: CHP).

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành TP Cảng biển lớn trong khu vực. (Ảnh: CHP).

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, năm 2024 là năm thứ 4 TP thực hiện kế hoạch 5 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI. Hải Phòng tăng tốc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế TP 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu là công nghiệp - công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại là nhiệm vụ trọng tâm của TP Cảng.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, Hải Phòng đẩy mạnh GPMB các khu, cụm công nghiệp như KCN Tiên Thanh, KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu; các cụm công nghiệp Giang Biên, Tiên Cường II, Đại Thắng, Dũng Tiến cũng như đẩy nhanh các thủ tục quy hoạch, đầu tư các KCN Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ (giai đoạn 3), Giang Biên (giai đoạn 2). Hải Phòng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ có hơn 1.000ha đất công nghiệp cho thị trường từ các dự án KCN vừa được Chính phủ phê duyệt đầu tư trong năm 2023.

Lĩnh vực cảng biển - logistics, xây dựng TP Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập mới Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.

Cùng với đó, TP tập trung thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics theo quy hoạch gắn với khởi công các bến container số 7, 8, hoàn thành xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; lập các thủ tục đầu tư xây dựng các bến của cảng Nam Đồ Sơn... phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai mới song song với tuyến ô tô cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, các tuyến giao thông kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn.

Hiện nay, Hải Phòng đang là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển kinh tế số, trước hết là 3 trụ cột KT: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư...

Hải Phòng cũng đang tập trung phát triển cho du lịch trong thời kỳ mới, xây dựng quần thể du lịch Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao, kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa, liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà...

Chủ tịch TP Nguyễn Văn Tùng cũng nhấn mạnh, để phù hợp với quy hoạch phát triển TP trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tổ chức các hoạt động KT-XH theo mô hình tổ chức không gian phát triển “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các vành đai kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, của TP trong tam giác động lực phái Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau cùng phát triển...

Hình thành trung tâm đô thị mới khu vực Nam Đồ Sơn, xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế cùng các khu đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường nối tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu vực quy hoạch Cảng Nam Đồ Sơn và Cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, TP Hải Phòng cần xây dựng các chỉ tiêu kinh tế cụ thể, có tỷ trọng đóng góp GRDP của TP vào GDP của cả nước đến năm 2030 đạt 6,8%. GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 tăng khoảng 13,5%/ năm, trong đó có công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm.

Cơ cấu lại nền kinh tế: với ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7% (công nghiệp chiếm 46,8%); ngành dịch vụ chiếm 43,3%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%.

GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng, tương đương khoảng 21.700 USD; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 đạt 56 - 59%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 8,9 - 10,7%/năm; Kinh tế số đạt khoảng 40% GRDP; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2030 đạt 300 - 310 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 90 - 98 nghìn tỷ đồng...

Đông Bắc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hai-phong-phat-trien-theo-huong-do-thi-da-trung-tam-va-cac-do-thi-ve-tinh-post511145.html