'Hải Phòng vươn mình' - khúc tráng ca tuổi 70 của thành phố Hoa Phượng đỏ

Giữa nhịp sống sôi động và rạng rỡ của những ngày tháng Năm lịch sử, khi Hải Phòng tưng bừng kỷ niệm 70 năm giải phóng, bài thơ 'Hải Phòng vươn mình' của doanh nhân – luật sư Phạm Hồng Điệp đã vang lên như một khúc tráng ca đầy cảm xúc tự hào.

Bài thơ chỉ là lời chúc mừng, mà còn là những thông điệp đầy hào hùng về một thành phố đang vươn dậy mạnh mẽ trong thời đại mới – một Hải Phòng hiện đại, hội nhập, đầy bản lĩnh mà vẫn ắp nghĩa tình.

Tiếng gọi “Hải Phòng ơi!” mở đầu bài thơ là cảm xúc từ đáy lòng trào dâng ra, là tiếng reo vui của người con nặng tình với quê hương. Từ “phố cảng xưa” đến “rực sáng hôm nay”, Phạm Hồng Điệp chỉ bằng một câu thơ đã gói trọn 70 năm lịch sử – một quá khứ hào hùng và một hiện tại tràn đầy hy vọng.

“Bảy mươi năm – chặng đường rạng rỡ
Từ phố cảng xưa, rực sáng hôm nay”.

Lịch sử hiện lên trong thơ ông không bằng ký ức, mà bằng ánh sáng. Lịch sử ấy không dừng lại ở những chiến tích cũ, mà được khắc họa trong từng bước chuyển mình của đô thị, nơi mỗi con đường, mỗi công trình là minh chứng sống động cho sự “vươn mình” không ngừng nghỉ.

Một trong những điểm nhấn mang tính thời sự của “Hải Phòng vươn mình” là sự kiện sáp nhập Hải Dương với Hải Phòng, một quyết sách hành chính tưởng chừng khô khan, nhưng qua đôi mắt rất thơ của Phạm Hồng Điệp lại trở thành hình ảnh đầy chất thơ và rất nhân văn:

“Hải Dương đến, bàn tay cùng xiết chặt
Thành phố chung – rực sáng tương lai vàng".

Hình ảnh “bàn tay cùng xiết chặt” không chỉ là biểu tượng của sự thống nhất về địa giới hành chính, mà còn là lời khẳng định về một tương lai chung, nơi Hải Phòng sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tác giả tin tưởng rằng, sự kết hợp nguồn lực của Hải Dương với nền kinh tế cảng biển của Hải Phòng sẽ đưa thành phố trở thành một “trái tim đập nhịp sống năm châu”, kết nối với thế giới.

Cụm từ “thành phố chung” còn là sự nhấn mạnh tinh thần đồng lòng, cùng nhau đưa Hải Phòng thành biểu tượng của sự phát triển.

Trong tương lai mới của “Thành phố chung”, con người là trung tâm – những người trẻ, tiên phong trong công cuộc đổi mới, khởi nghiệp và hội nhập.

“Thành phố trẻ và những người sức trẻ
Xây tương lai, từ chính những nụ cười”.

Không gian thơ của Phạm Hồng Điệp mở rộng từ nội thành đến cảng biển, từ đèn phố đến những giấc mơ công nghệ. Cảng Hải Phòng trong thơ ông không chỉ là “cửa ngõ” kinh tế mà là trái tim đất nước, nơi “đập nhịp sống năm châu” – biểu tượng của hội nhập và tự hào dân tộc.

“Cảng biển lớn – không chỉ là cửa ngõ,
Mà trái tim, đập nhịp sống năm châu.”

70 năm đã qua, Hải Phòng hôm nay chứa đựng biết bao ký ức hào hùng, nhưng tác giả không đi theo lối “ăn mày dĩ vãng”, mà thay vào đó, ông nhìn vào hiện tại sôi động và hướng tới tương lai. Nhịp thơ sôi nổi vang lên khi nhắc đến “nhịp công trình” và “con đường mới”, phản ánh sự chuyển mình vật chất của thành phố qua các dự án hạ tầng trọng điểm.

Từ một thành phố với những cái tên gắn với “Rào”, “Cấm”, “Lấp” từng bị đem ra tếu táo, Hải Phòng nay đã trở thành “biểu tượng tự hào của một vùng đất Việt”. Với cảng biển lớn, đô thị xanh thông minh, thành phố đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn xa, hướng tới một giấc mơ lớn hơn: “Giấc mơ Việt kỷ nguyên mới, vươn mình”.

Với ông, Hải Phòng hiện đại, hội nhập nhưng vẫn đầy bản lĩnh, ngông cuồng và chất tình – như những chàng trai ngực trần nơi gió biển, vẫn hiên ngang, bản lĩnh, kiên gan trước bão tố gió táp phong ba, để dựng xây nên một Hải Phòng kiêu hãnh, tự hào. Và cũng chính sự kiêu hãnh, tự hào này về quê hương, đã tạo dựng cốt cách không thể trộn lẫn của bao thế hệ người con Hải Phòng. Đó là “chất ngông, chất tình, bản lĩnh” mà tác giả đã gọi tên, đã đúc kết lại chỉ bằng một câu thơ.

Nhưng trong cái “ngông”, đầy bản lĩnh đó, còn đẫm chất tình. Chất tình ở đây là sự hào sảng, chân thành thân thiện với mọi người. Vì thế mà Hải Phòng “đón Hải Dương”, để cùng “bước ra biển lớn”, để “nắng bừng lên muôn nẻo”. Câu thơ vừa là lời chào đón chân tình, mà cũng là lợi dự báo cho tương lai rực rỡ của mảnh đất Anh hùng.

Có thể cảm nhận rõ, trong bài thơ, tình yêu của Phạm Hồng Điệp dành cho quê hương không chỉ hiện lên trong những hình ảnh hiện đại, mà còn trong bản sắc con người đất Cảng, với những phẩm chất kết tinh từ lịch sử, văn hóa và tinh thần quật khởi của người Hải Phòng, từ nữ tướng Lê Chân xưa đến thế hệ khởi nghiệp hôm nay.

Với ông, họ không chỉ là biểu tượng của sức mạnh thể chất, mà còn là tinh thần bất khuất và khát vọng đổi thay, là biểu tượng của một Hải Phòng không ngừng “vươn mình” trong gió lớn, không chùn bước trước thử thách, mà luôn bước tới với niềm tin rực cháy và trái tim nồng ấm. Đó còn là khát khao mãnh liệt thực hiện “Giấc mơ Việt kỷ nguyên mới, vươn mình” của những người con Hải Phòng, trong đó có ông. Để “Hải Phòng ơi!” mãi luôn là tiếng gọi thân thương, đầy tự hào.

Không phải ngẫu nhiên bài thơ ra đời đúng dịp 70 năm giải phóng Hải Phòng. Nó như một món quà tinh thần, một ngọn lửa truyền cảm hứng từ chính một người đang góp phần vào hành trình phát triển thành phố – một doanh nhân – luật sư mang trong mình trái tim thi sĩ Phạm Hồng Điệp. Đó là tình yêu không giấu giếm, là giấc mơ được gọi tên và là niềm tin mãnh liệt rằng: từ thành phố này, ánh sáng sẽ tiếp tục lan xa.

Thu Lê

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/hai-phong-vuon-minh-khuc-trang-ca-tuoi-70-cua-thanh-pho-hoa-phuong-do-20250513135513170.htm