Xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa liên kết Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng
Chiều 13-5, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội tổ chức hội thảo 'Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng đến năm 2030'. Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm CNVH mang tính liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội thảo.

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội thảo. Ảnh: Hoàng Lân
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội Tạ Minh Thuận, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, CNVH đang trở thành một trụ cột mới của tăng trưởng kinh tế, góp phần khẳng định vị thế quốc gia.
Ở Việt Nam, việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa không chỉ là chiến lược phát triển ngành văn hóa, mà còn là định hướng mang tính quốc gia, nhằm khai thác tài nguyên văn hóa như một nguồn lực mới cho phát triển bền vững, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng lòng tự hào dân tộc và sự tự tin trong hội nhập quốc tế.
Với những điều kiện, tiềm năng ưu việt và sẵn có về văn hóa của một thành phố ngàn năm văn hiến, cũng như của vùng đồng bằng sông Hồng, thành phố Hà Nội đã luôn chủ động thực hiện các hoạt động phát triển ngành CNVH gắn với nhiều giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy liên kết vùng để tạo ra các sản phẩm CNVH độc đáo, có sức cạnh tranh cao, đem lại giá trị gia tăng cho các chủ thể trên nhiều phương diện.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển CNVH là việc thực hiện nhiệm vụ “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030.”

Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm có thể đẩy mạnh liên kết tuyến du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Hoàng Lân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích tiềm năng và định vị các ngành CNVH của Thủ đô, gồm 13 lĩnh vực: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Xuất bản; Kiến trúc.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng là cái nôi tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam lâu đời. Việc phát triển vùng cần phát huy tối đa các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc của dân tộc hiện nay trong khu vực. Khi lựa chọn một số sản phẩm dịch vụ CNVH Thủ đô để liên kết với các tỉnh trong vùng cần bảo đảm sản phẩm gây ấn tượng, được nhiều người ưa thích, có khả năng mở rộng quy mô, nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, đề xuất 5 mô hình liên kết vùng tiêu biểu như: Liên kết Hà Nội – Nam Định với dòng sản phẩm nghi lễ; Liên kết Hà Nội – Hải Dương với dòng sản phẩm làng nghề gốm; Liên kết Hà Nội – Ninh Bình với hành trình trải nghiệm di sản kết hợp giáo dục…
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và cơ quan quản lý đã nhận diện những thời cơ, thuận lợi, thách thức và đưa ra các giải pháp thiết thực để tăng hiệu quả liên kết phát triển CNVH giữa Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò quản lý của địa phương trong việc tạo cơ chế chính sách hợp tác công- tư; đồng thời kết nối doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết đạt hiệu quả cao và có tính bền vững.