Hải Phòng vươn mình: Từ tiên đoán của Bác Hồ đến ghi nhận của Tổng Bí thư

70 năm sau ngày giải phóng, lời tiên đoán của Bác Hồ về một Hải Phòng 'vươn mình' đã thành hiện thực.

Thành phố Cảng không chỉ đi đầu về công nghiệp, thương mại logistics, mà còn đang kiến tạo tầm vóc khu vực nhờ tăng trưởng liên tục 10 năm liền hai chữ số kỳ tích duy nhất trên cả nước.

“Hải Phòng đang vươn mình” - lời tiên tri từ 1955

Ngày 18/5/1955, chỉ vài ngày sau khi thành phố Hải Phòng hoàn toàn được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sau 83 năm” trên Báo Nhân Dân. Bài viết của Người đã tiên đoán và đề cập “Hải Phòng vươn mình”. Bác viết: “Cán bộ và bộ đội ta hiên ngang tiến vào tiếp quản. Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ gái trai, đủ các tầng lớp, tủa ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người sung sướng vui mừng, như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu, đã kết quả vẻ vang: Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Hải Phòng đã giải phóng hoàn toàn!”.

Đó là một cụm từ đặc biệt, vừa mang tính hình tượng, vừa hàm chứa tinh thần dự báo. Vào thời điểm đó, thành phố chỉ mới bắt đầu phục hồi sau hàng thập kỷ chiến tranh, nhà máy cũ kỹ, cảng biển bị tàn phá, dân cư đói khổ. Nhưng Bác Hồ đã nhìn thấy điều lớn hơn: một đô thị cảng có sức sống mãnh liệt, có vị trí chiến lược, có nhân dân cần cù và có tinh thần tiến công cách mạng.

Bài viết "Sau 83 năm” trên Báo Nhân Dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài viết "Sau 83 năm” trên Báo Nhân Dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

70 năm sau, câu nói ấy không còn là dự báo mà đã trở thành hiện thực.

Một mình vượt gió ngược hôm nay

Bài viết của Bí thư Thành ủy Hải Phòng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày hôm qua 12/5 cho biết: Trong bối cảnh thế giới liên tục khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đến xung đột thương mại, từ biến đổi khí hậu đến chuỗi cung ứng đứt gãy, Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% suốt 10 năm liên tiếp (2014- 2024). Kỳ tích này chưa địa phương nào khác làm được.

Riêng năm 2024: GRDP tăng 11,01%, cao nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Quy mô kinh tế đạt hơn 18,3 tỷ USD, đứng thứ 5 cả nước. Thu ngân sách hơn 118.200 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn quốc. Thu hút đầu tư FDI đạt 4,9 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước.

Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% suốt 10 năm liên tiếp (2014–2024). Ảnh: Đỗ Hoàng

Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% suốt 10 năm liên tiếp (2014–2024). Ảnh: Đỗ Hoàng

Những con số ấy không đến từ sự tình cờ. Đó là kết quả của một chiến lược nhất quán: Lấy công nghiệp công nghệ cao, logistics, hạ tầng liên kết vùng và cải cách hành chính làm mũi nhọn phát triển.

Sự phấn đấu không ngừng nghỉ để bứt phá

Những năm 1980, khi cả nước còn loay hoay với cơ chế bao cấp, Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành đã mạnh dạn “làm trái” khoán hộ sản xuất lúa, cùng ông Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) mở đường cho Khoán 100, Khoán 10, khai mở công cuộc đổi mới từ thực tiễn.

Không dừng lại ở nông nghiệp, ông còn chỉ đạo xây dựng đập Đình Vũ, đê đường 14, lấn biển ngang huyện Tiên Lãng, tạo ra nền móng hạ tầng chiến lược. Dân khắp miền Bắc truyền tai: “Cần gì, ra chợ Sắt Hải Phòng!”.

Lên Trung ương, ông tiếp tục cải cách ngoại thương, xóa độc quyền, phân cấp doanh nghiệp, và nâng tầm Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tầm nhìn ấy đi trước thời đại gần 20 năm.

Các nhà lãnh đạo sau này của Hải Phòng tiếp tục tư duy đổi mới, giúp thành phố không ngừng bứt phá. Các công trình như cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, nhà máy Vinfast, cáp treo Cát Bà, tổ hợp Flamingo, nông thôn mới về đích trước thời hạn đã làm thay đổi toàn diện diện mạo Hải Phòng. Người Hải Phòng đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có cách làm riêng mà nhiều địa phương chưa làm được..

Hải Phòng đang được so sánh với những đô thị từng có xuất phát điểm tương đồng như Busan (Hàn Quốc), Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc).

Hải Phòng đang đi đúng lộ trình như những trung tâm phát triển quốc đã từng thành công.

Vượt bẫy thu nhập trung bình, Hải Phòng mở lối cho cả nước

Theo Ngân hàng Thế giới, “bẫy thu nhập trung bình” là khi nền kinh tế phát triển nhanh nhưng không chuyển đổi sang giá trị cao.

Hải Phòng đang vượt thoát bằng 3 trụ cột: Công nghiệp chế biến – công nghệ cao (chế tạo, điện tử, xe hơi, phụ trợ); logistics hiện đại – hạ tầng kết nối vùng – cảng nước sâu quốc tế, quản trị đô thị số, cải cách hành chính, thu hút đầu tư có chọn lọc.

Trong khi nhiều tỉnh, thành vẫn lệ thuộc vào đất đai, đấu giá, ngân sách thì Hải Phòng tạo ra năng lực nội sinh, dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng và hơn thế tại Hội thảo khoa học “70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng – Thành tựu và khát vọng vươn mình”, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đã tiết lộ một khát vọng mới: Vươn lên thành nền kinh tế thứ hai cả nước. "Đây là thời điểm bản lề để Hải Phòng bước vào một giai đoạn phát triển mới, với quy mô lớn hơn, thách thức nhiều hơn nhưng cũng nhiều cơ hội hơn bao giờ hết" - Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh, nếu Hải Phòng và Hải Dương được hợp nhất, diện tích, dân số sẽ tăng gấp đôi, quy mô kinh tế đứng thứ 3 cả nước. Và ông đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm:

“Liệu thành phố có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh trong 10 đến 20 năm tới?”

Cũng trong hội thảo 9/5, ông Châu nhấn mạnh thêm:"Chúng ta không thể sao chép mô hình của họ, nhưng có thể học hỏi cách tiếp cận đặc biệt là tư duy dài hạn, quản trị hiệu quả và phát triển bền vững". Hải Phòng đang chủ động nghiên cứu kinh nghiệm từ Singapore, Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến những nơi từng là cảng biển, công xưởng nhưng giờ là siêu đô thị toàn cầu.

Cơ chế đặc thù với nhiều đột phá trong lĩnh vực Công Thương

Một sự tình cờ thú vị, đúng dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng, hôm nay Quốc hội họp bàn ra nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho phát triển Hải Phòng. Chính phủ đang đề xuất 41 chính sách mới giúp Hải Phòng đột phá, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan ngành Công Thương như ngân sách Trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Hải Phòng hàng năm với tỷ lệ 70% phần tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (không bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, Khu thương mại tự do, cũng như cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên đảo Bạch Long Vỹ.

Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng được trao quyền quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu Thương mại tự do, gắn liền với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và khu kinh tế ven biển phía Nam. Quy trình thực hiện tương tự như quy định đối với khu công nghiệp. Cơ chế này kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, giúp Hải Phòng khai thác hiệu quả tiềm năng logistics, thương mại quốc tế và hạ tầng cảng biển, từ đó tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào kinh tế vùng và cả nước. Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn ủng hộ, hỗ trợ phát triển Hải Phòng phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và thương mại. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với tư cách là đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng thường xuyên tham gia các hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của cử tri thành phố và cụ thể hóa bằng những quyết sách của ngành Công Thương thúc đẩy Hải Phòng phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã ghi nhận: “Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế.”Đây không chỉ là lời ghi nhận mà là sự khẳng định mô hình phát triển đúng hướng, sáng tạo trong khuôn khổ, bền vững trong chiến lược.

Từ lời Bác Hồ về một Hải Phòng “đang vươn mình” đến câu hỏi chiến lược của Bí thư Thành ủy hôm nay: “liệu có thể là kinh tế số 2 cả nước?” và sự ghi nhận kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm, Hải Phòng sau 70 năm giải phóng đang vươn mình từ hiện thực hóa quá khứ đến kiến tạo tương lai.

Không phải “Hải Phòng bứt phá” mà là Hải Phòng mở đường. “Hải Phòng đang vươn mình” với vị thế đứng trước biển!

Đại Bàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-phong-vuon-minh-tu-tien-doan-cua-bac-ho-den-ghi-nhan-cua-tong-bi-thu-387308.html