Hải quan tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn nhấn mạnh, mục tiêu của việc xây dựng chính sách ngoài việc giải quyết vướng mắc là hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Thủ tục hải quan có thuận lợi, minh bạch, chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, các đơn vị hải quan địa phương mới đây về các văn bản pháp luật về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn nhấn mạnh, mục tiêu của việc xây dựng chính sách ngoài việc giải quyết vướng mắc là hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Thủ tục hải quan có thuận lợi, minh bạch, chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu

Một trong những nội dung được Tổng cục Hải quan quan tâm sửa đổi, hoàn thiện là quy định đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK), chế xuất tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2028/TT-BTC.

Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: N.L

Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: N.L

Đánh giá cao hoạt động của doanh nghiệp (DN) liên quan đến loại hình gia công, SXXK, DN chế xuất, ông Âu Anh Tuấn cho biết, theo số liệu thống kê, hoạt động gia công, SXXK, DN chế xuất chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch XNK của cả nước, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Qua đó cho thấy, nhóm DN hoạt động lĩnh vực này đóng vai trò rất lớn trong hoạt động của nền kinh tế. Tổng cục Hải quan rất mong các DN nghiên cứu kỹ, đóng góp các nội dung thiết thực cho dự thảo để khi đưa vào thực hiện vừa tạo thuận lợi cho DN, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các quy định hiện hành liên quan đến các loại hình trên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số điểm tồn tại, không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chưa phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, Ban soạn thảo (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đặc biệt, để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, căn cứ bản chất giao dịch của hàng hóa, Ban soạn thảo đề xuất bãi bỏ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Thực tế chỉ bãi bỏ điểm c, khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với DN khác tại Việt Nam.

Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đối với quản lý hàng hóa loại hình hàng gia công, SXXK, DN chế xuất sẽ có sự thay đổi cơ bản khi làm thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho DN.

Trước các ý kiến góp ý của DN liên quan đến nội dung bãi bỏ Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ 2 lần vào năm 2021 và năm 2022. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, do còn ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp về cơ sở pháp lý liên quan nội dung quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về XNK tại chỗ nên dự thảo Nghị định chưa được phê duyệt. Qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy, chỉ có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công cho thương nhân nước ngoài được thực hiện một số hoạt động XNK tại chỗ như: xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu.

Luật Hải quan năm 2001 và các luật khác không quy định về hình thức XNK tại chỗ đối với hoạt động mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao nhận hàng hóa tại Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn chủ trì hội thảo chuyên đề lấy ý kiến về nội dung quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất do Tổng cục Hải quan tổ chức tại TPHCM chiều ngày 22/11.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn chủ trì hội thảo chuyên đề lấy ý kiến về nội dung quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất do Tổng cục Hải quan tổ chức tại TPHCM chiều ngày 22/11.

Tuy nhiên, căn cứ các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) nêu trên thì hoạt động XNK tại chỗ đã được thực hiện từ năm 1998 đến nay, các văn bản về sau đều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa.

Từ trước đến nay, hoạt động XNK tại chỗ đã được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP; pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hình thức XNK tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, nội hàm hoạt XNK tại chỗ có sự chưa thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đối với hoạt động XNK tại chỗ, hàng hóa được mua bán trong nội địa, không có sự dịch chuyển hàng hóa ra khỏi biên giới Việt Nam, bản chất đây là hoạt động mua bán nội địa. Đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan chỉ có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục hải quan quan đối với hoạt động này, chuyển thành hoạt động mua bán nội địa do cơ thuế nội địa quản lý.

“Do vậy, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động XNK tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất của hoạt động giao dịch này”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh

Theo Cục Giám quản lý về hải quan, việc sửa đổi chính sách đối với loại hình này do quy định của pháp luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung; bên cạnh đó cũng nhằm giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện.

Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm: hoạt động gia công sửa chữa, tái chế sản phẩm nguyên chiếc (Điều 54); định mức sử dụng dự kiến/định mức sử dụng thực tế (Điều 55); kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp chế xuất (Điều 56, 57, 58, 74, 75, 76, 78, 79, 80); tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phê liệu, phế phẩm (Điều 64, 71); giám sát quá trình luân chuyển hàng hóa đi gia công lại, luân chuyển giữa các doanh nghiệp chế xuất, giữa doanh nghiệp chế xuất với kho thuê ngoài (Điều 62, 74, 76); thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ (Điều 86, 61)...

Về vấn đề định mức sử dụng dự kiến, bổ sung khái niệm phù hợp với thực tiễn: là lượng nguyên liệu, vật tư dự kiến sẽ sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu do tổ chức, cá nhân xây dựng để thực hiện sản xuất...

Tuy nhiên, trường hợp DN kết nối trao đổi dữ liệu với cơ quan Hải quan thì sẽ sử dụng định mức dự kiến này, trong trường hợp DN chưa kết nối dữ liệu với cơ quan Hải quan thì vẫn thực hiện theo định mức thực tế như hiện hành. Định mức sử dụng thực tế được gửi khi báo cáo quyết toán theo năm tài chính.

Điểm mới tại dự thảo thông tư là đối với DN ưu tiên, không phải nộp định mức dự kiến hay định mức sử dụng cho cơ quan Hải quan nhưng phải xây dựng, lưu trữ, xuất trình khi kiểm tra, thanh tra.

Về địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 58) cũng được sửa đổi, bổ sung một số điểm như: trường hợp DN chế xuất có nhiều chi nhánh, các chi nhánh nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, việc hạch toán kế toán tách bạch được số liệu giữa các chi nhánh, giữa chi nhánh với trụ sở chính thì chi nhánh của DN chế xuất được lựa chọn làm thủ tục hải quan nhập khẩu, xuất khẩu tại chi cục hải quan quản lý DN chế xuất nơi có trụ sở chính hoặc chi cục hải quan nơi có trụ sở chi nhánh của DN chế xuất.

Chi nhánh DN chế xuất lựa chọn làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan nào thì thực hiện thủ tục thông báo cơ sở sản xuất, báo cáo quyết toán tại chi cục hải quan đó.

Các nội dung quy định tại các nghị định đã và đang đáp ứng các yêu cầu về quản lý hải quan cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK.

Các nội dung quy định tại các nghị định đã và đang đáp ứng các yêu cầu về quản lý hải quan cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK.

Về thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn (Điều 64), có một số điểm sửa đổi, bổ sung như: thời điểm thực hiện thủ tục xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa (trong quá trình thực hiện hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công; chậm nhất 3 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan chấp nhận báo cáo quyết toán đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách).

Bên cạnh đó, đối với vấn đề tiêu thụ nội địa phế liệu, phế phẩm được sửa đổi, bổ sung theo hướng: phế liệu, phế phẩm tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan; phải kê khai nộp thuế với cơ quan Thuế nội địa và chậm nhất ngày thứ 10 của tháng kế tiếp phải thông báo thông tin bán phế liệu, phế phẩm trong tháng theo mẫu số 18b/TBPL/GSQL phụ lục V.

Trường hợp nguyên liệu, vật tư, thành phẩm tiêu thụ nội địa nhưng DN khai dưới dạng phế liệu, phế phẩm, trước khi tiêu thụ nội địa, tổ chức, cá nhân phải kê khai thay đổi mục đích sử dụng.

Về vấn đề thuê kho của DN chế xuất (Điều 80), dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: điều kiện DN chế xuất được thuê địa điểm lưu giữ; điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan đối với địa điểm lưu giữ.

Cụ thể đối với điều kiện DN chế xuất được thuê địa điểm lưu giữ quy định theo hướng: Trong thời gian 12 tháng, không bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt không vượt quá thẩm quyền xử phạt của chi cục trưởng. Có quy mô sản xuất dự kiến vượt quá năng lực lưu giữ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất chính DN chế xuất và tại các cơ sở sản xuất này không còn khả năng mở rộng quy mô, năng lực lưu giữ hàng hóa hoặc lý do khác.

Điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan đối với địa điểm lưu giữ gồm: có hàng rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài. Trường hợp DN chế xuất thuê một phần diện tích để lưu giữ thì vị trí lưu giữ hàng hóa của DN chế xuất phải có vách ngăn hoặc hàng rào đảm bảo tách biệt; có camera giám sát liên tục tại cửa hoặc cổng ra, vào và vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu về hình ảnh camera được kết nối trực tuyến với chi cục hải quan quản lý DN chế xuất và được lưu giữ tại DN chế xuất hoặc doanh nghiệp cho thuê kho tối thiểu 12 tháng. Đồng thời có phần mềm quản lý hàng hóa ra, vào địa điểm lưu giữ đảm bảo báo cáo nhập – xuất – tồn kho với cơ quan Hải quan.

Ông Trần Việt Huy, Trưởng Ban hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao việc công khai minh bạch chính sách của cơ quan Hải quan. Các dự thảo nghị định, thông tư lấy ý kiến DN cũng đã được Tổng cục Hải quan tổ chức lấy ý kiến góp ý cộng đồng DN nhiều lần. Đối với bản dự thảo lần này, VLA góp ý nhiều nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên, thủ tục hải quan, phí và lệ phí hải quan…Đối với điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên, VLA kiến nghị điều chỉnh "khoản 1, Điều 10. Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên: kiến nghị nên có phương án mở với tiêu chí “Điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế được đánh giá trong 2 năm liên tục tính đến ngày DN có văn bản đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên...”. Nên bổ sung: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ phê duyệt các trường hợp đặc biệt cần xem xét cho phép áp dụng chế độ ưu tiên với thời hạn đánh giá ít hơn 24 tháng, dựa theo các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa bàn DN trú đóng.

Lý do VLA đề nghị bổ sung, bởi vì có nhiều nhà đầu tư “đại bàng” đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tính tuân thủ cao, dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư, qui mô siêu lớn, nhưng phải chờ trên 2 năm mới được xem xét chế độ ưu tiên. Trong khi, nếu cấp sớm cho các DN này sẽ là biện pháp khuyến khích đầu tư thực chất và giảm tải rất nhiều áp lực công việc cho ngành Hải quan.

Đại diện Phòng XNK, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, công ty chuyên nhập khẩu sữa nguyên liệu có rất nhiều nội dung mở cho DN, chứng từ kiểm tra chuyên ngành được trừ lùi. Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động XNK hàng hóa của DN, đại diện công ty đã góp ý cụ thể liên quan đến thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN.

Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn cho rằng, các nội dung đóng góp của DN sẽ được Tổng cục Hải quan tiếp thu, giải trình, tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Chính phủ ký ban hành sớm nhất vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hai-quan-tiep-tuc-tao-thuan-loi-hon-cho-hoat-dong-xuat-nhap-khau-i751369/