Hải sản Anh vào thị trường Việt Nam, kỳ vọng doanh thu 26 triệu USD
Người tiêu dùng Việt Nam giờ đây sẽ tiếp cận các sản phẩm hải sản cao cấp tươi sống của Anh, trong đó có tôm hùm và cua nâu.
Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (Defra) ngày 1/4 cho biết Việt Nam đã cấp quyền tiếp cận thị trường đối với hải sản tươi sống của Anh, ước tính sẽ mang lại cho ngành hải sản nước này hơn 20 triệu bảng (26 triệu USD) trong vòng 5 năm tới.
Theo thỏa thuận giữa hai nước, xuất khẩu hải sản của Anh sẽ dựa trên nhu cầu của Việt Nam, với lượng xuất khẩu hiện tại tăng dần theo từng năm. Theo Defra, thỏa thuận mở ra cơ hội đáng kể cho xuất khẩu hải sản tươi sống từ Anh sang Việt Nam, một trong những quốc gia có lượng tiêu dùng hải sản bình quân đầu người cao nhất thế giới và cao nhất ở Đông Nam Á. Trung bình, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 37kg hải sản mỗi năm.
Cộng đồng ven biển ở cả bốn vùng England, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales của Vương quốc Anh sẽ hưởng lợi từ các cơ hội xuất khẩu mới cho các loại hải sản phổ biến, giúp thúc đẩy thương mại và tăng trưởng cho ngành hải sản. Hải sản Anh nổi tiếng toàn cầu về hương vị và chất lượng. Người tiêu dùng Việt Nam giờ đây sẽ tiếp cận các sản phẩm hải sản cao cấp tươi sống của Anh, trong đó có tôm hùm và cua nâu. Xuất khẩu hải sản của Anh sang Việt Nam gần đây tăng trưởng mạnh, với xuất khẩu sản phẩm tươi sống, đông lạnh và chế biến tăng 40% trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024 so với năm 2023.
Thứ trưởng Defra, Daniel Zeichner, cho biết việc tiếp cận thị trường thủy sản đang phát triển mạnh của Việt Nam mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Anh, khẳng định thỏa thuận này minh chứng cho cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy xuất khẩu của Anh bằng cách giúp các nhà sản xuất tiếp cận các thị trường quốc tế có giá trị. Thứ trưởng Bộ Xuất khẩu Anh, Gareth Thomas, cho biết thỏa thuận là bước đột phá đáng hoan nghênh và quan trọng, mở ra một thị trường mới và sinh lợi cho các nhà xuất khẩu thủy sản sống của Anh.
Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội thủy sản có vỏ (SAGB), David Jarrad, cho biết các nhà nhập khẩu Việt Nam sẵn sàng trả giá cạnh tranh cho các loại hải sản của Anh có nhu cầu thấp ở thị trường Anh và châu Âu, tạo ra nguồn doanh thu thay thế quan trọng cho các thương nhân thủy sản.
Defra cho biết, thông qua đối thoại và hợp tác với các quan chức Việt Nam, Defra và Bộ Kinh doanh Thương mại Anh (DBT) đã xóa bỏ các rào cản pháp lý và giới thiệu các tiêu chuẩn cao về sản xuất hải sản của Anh tới thị trường Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ với ngành hải sản và các hiệp hội trong ngành để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ vào thị trường Việt Nam.