Hai tàu chiến Anh rời cảng đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong 5 năm
Các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh ngày 7/9 đã rời cảng Portsmouth, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ kéo dài 5 năm, đóng vai trò như 'tai, mắt' của Anh trong khu vực từ bờ biển phía Tây Châu Phi đến phía bờ biển phía Tây nước Mỹ.
“2/3 thế giới là ‘sân chơi’ của chúng tôi”, Ben Evans, hạm trưởng tàu HMS Spey cho biết.
HMS Spey, tàu tuần duyên có lượng giãn nước 2.000 tấn và dài 91 mét, sẽ cùng tàu HMS Tamar tham gia vào nhiệm vụ kéo dài 5 năm, đến năm 2026.
Khi tuần tra các vùng biển của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tàu chiến Anh sẽ tới vùng biển Bering ở cực Bắc và New Zealand ở cực Nam, cũng như bang Tasmania của Australia.
“Các tàu chiến sẽ hoạt động như ‘tai, mắt’ của Anh trong khu vực, hợp tác với các đồng minh của Mỹ, tiến hành tuần tra an ninh đối phó với buôn lậu, ma túy, khủng bố, và các hoạt động bất hợp pháp khác, đồng thời tham gia tập trận với hải quân và lực lượng vũ trang các nước, dưới lá cờ vì nước Anh toàn cầu”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Nước Anh toàn cầu là định hướng hậu Brexit nhằm gia tăng ảnh hưởng của Anh trên thế giới. Tháng 3/2021, Anh đưa ra tầm nhìn về chính sách quốc phòng và ngoại giao, theo đó xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.
Hai tàu chiến HMS Spey và HMS Tamar có thể ở trên biển liên tục tới 9 tháng. Mỗi tàu chở 46 thành viên. Các thủy thủ sẽ được thay phiên thường xuyên khoảng vài tuần một lần.
“Con dao Swiss Army 2.000 tấn”
Các tàu chiến của Anh không có căn cứ thường trực ở Thái Bình Dương. Thay vào đó, tàu sẽ cập cảng hoặc căn cứ của đồng minh và đối tác phù hợp với nhiệm vụ nhất.
Cùng với các thủy thủ thông thường, hai tàu chiến sẽ có tới 52 lính Thủy quân lục chiến Hoàng gia hoặc các binh sỹ khác để trợ giúp các nhiệm vụ cụ thể. Sự linh hoạt này khiến các con tàu trở thành “con dao Swiss Army 2.000 tấn”.
Trong nhiệm vụ Thái Bình Dương, tàu Spey và tàu Tamar áp dụng cơ chế sơn ngụy trang thời Thế chiến thứ nhất. 100 năm trước, cơ chế sơn này từng giúp các tàu chiến khó bị phát hiện. Khi đó, các hạm đội của Anh được đánh giá là tốt nhất thế giới.
“Với cơ chế sơn độc đáo này, chúng tôi sẽ rất khác biệt. Chúng tôi sẽ cùng treo cờ White Ensign ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mọi người sẽ biết rằng Hải quân Hoàng gia đang trở lại”, Hạm trưởng tàu Spey nói.
Các đồng minh và đối tác của Anh đã biết đến Hải quân Hoàng gia hiện đại vào mùa hè năm nay khi Anh triển khau tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh, trong đó còn có các tàu chiến của Mỹ và Hà Lan, đã rời Anh hồi tháng 5, thực hiện nhiệm vụ kéo dài 7 tháng và vừa kết thúc cuộc tập trận 3 ngày với Hải quân Hàn Quốc trong tuần trước.
Trước đó, tàu nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và nhóm tàu hộ tống ở Thái Bình Dương.
Các phi đội tiêm kích tàng hình F-35 trên 2 tàu sân bay của Anh và Mỹ cũng tiến hành các cuộc huấn luyện trong khuôn khổ tập trận./.